Dư luận trong tỉnh rất đồng tình với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 100 mở rộng phạm vi và tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bộ Giao thông - Vận tải có Thông tư số 38 siết chặt hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Những văn bản pháp lý này được thực thi đã tác động ngay đến đời sống xã hội và phần lớn người dân đồng thuận, có ý thức thay đổi hành vi khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để vấn đề này được giải quyết triệt để vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và liên tục của ngành chức năng trong tỉnh…
Siết chặt "đầu vào"
Thông tư số 38 của Bộ Giao thông - Vận tải về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019. Theo đó, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) sẽ chặt chẽ hơn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh của người dân khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông để phòng ngừa tai nạn. Thực hiện Thông tư số 38, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với 08 cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh để thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, điều kiện từ khâu học đến kiểm tra, thi cấp chứng chỉ nghề, sát hạch cấp GPLX. Trong đó, cơ quan chức năng của tỉnh yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe bổ sung thêm việc xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin. Việc tích hợp nhiều bài thi, điều kiện thời tiết, cung đường trong cabin tập lái giúp học viên tiếp cận tình huống một cách thực tế.
Việc bổ sung quy định dùng công nghệ cũng giúp cơ quan chức năng của tỉnh quản lý được thời gian học lý thuyết, thực hành của học viên tại các trung tâm đào tạo lái xe đã hạn chế tối đa tình trạng cắt xén chương trình, đảm bảo thời gian học, thực hành thực tế là 84 tiếng hoặc hơn 1.000km theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Bên cạnh đó, ngành Giao thông - Vận tải cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đầu tư, trang bị cabin tập lái để việc học lái và xử lý các tình huống có thể chưa gặp trong thực tế lái xe trở nên tốt hơn. Sở Giao thông - Vận tải đã quán triệt chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ về lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp GPLX đến tất cả các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh và yêu cầu thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Từ ngày 01/01/2020, các cơ sở đào tạo phải có cabin cho học viên thực hành và đến ngày 01/5/2021, sẽ đưa môn học cabin vào phần thi.
Căn cứ theo quy định của Thông tư số 38, mức đầu tư trung bình cho một trường đào tạo lái xe với lưu lượng 1.000 học viên cần ít nhất khoảng 10 cabin điện tử, giá trung bình khoảng 400 triệu đồng/1 cabin điện tử. Với số lượng trên 52 nghìn lượt người tham gia học, sát hạch để lấy GPLX hàng năm thì 08 cơ sở đào tạo trong tỉnh phải đầu tư lượng kinh phí rất lớn để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác chuyên môn. Như vậy, những cơ sở đào tạo quy mô nhỏ sẽ khó có đủ năng lực đầu tư nên buộc phải sáp nhập hoặc giải thể.
Tăng mức hình phạt để răn đe
Trước những diễn biến phức tạp và thiệt hại quá lớn do tai nạn giao thông gây ra, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22-24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (trước đây quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng). Đối với người điều khiển xe mô tô mức phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Đặc biệt, người điều khiển xe đạp, xe thô sơ khi vi phạm về nông độ cồn cũng bị xử phạt từ 400-600 ngàn đồng. Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy, Nghị định cũng tăng mức phạt tương tự. Nghị định cũng bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Theo đó, chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm. Nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện. Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định về việc cơ quan đăng kiểm đưa vào cảnh báo phương tiện có vi phạm trên chương trình quản lý kiểm định để khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, cơ quan kiểm định thực hiện việc kiểm định theo quy định và cấp giấy chứng nhận kiểm định có thời hạn hiệu lực là 15 ngày.
Những hành vi liên quan đến nguyên nhân gây tai nạn giao thông tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc… nhằm tăng cường hơn nữa đảm bảo ATGT, giảm TNGT.
Bước đầu có phản ứng tích cực
Qua thời gian ngắn tuyên truyền và thực thi những văn bản pháp luật bổ sung về đảm bảo an toàn giao thông, ý thức của cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước về đảm bảo an toàn giao thông, cơ sở đào tạo và người tham gia giao thông đã có sự thay đổi tích cực. Ngày 9/1, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chính thức tổ chức Lễ ra quân phát động hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2020 và đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, lễ hội Xuân. Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tuyên truyền và đưa ra các biện pháp để siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, cương quyết chấm dứt hoạt động đối với những cơ sở đào tạo vi phạm các quy định của pháp luật, có gian lận trong đào tạo, tham gia sát hạch; cơ sở vật chất, phương tiện không đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải. Riêng Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện đợt cao điểm về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp trước, trong sau Tết Nguyên đán Canh Tý, các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh. Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) và công an 9 huyện, thành, thị trong tỉnh đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông để xử lý các trường hợp vi phạm. Trong đó, từ ngày 9-1, các chốt kiểm tra nồng độ cồn được bố trí cố định và di động trên nhiều tuyến đường từ nông thôn đến thành thị của cả 9 địa phương trong tỉnh để xử lý nghiêm các trường hợp đã sử dụng đồ uống có cồn những vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Qua khảo sát của chúng tôi, tình trạng người dân sử dụng rượu, bia trong các quán ăn, tiệc trên địa bàn tỉnh trong những ngày đầu của năm 2020 đã giảm nhiều so với trước đây. Nhiều người dân được hỏi về vấn đề này đều cho biết rất sợ xảy ra tai nạn và lo bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nên chủ động đi xe tắc-xi hoặc có người thân lái xe khi có nhu cầu sử dụng rượu, bia. Đặc biệt, theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và các cơ sở y tế của tỉnh cho thấy số người bị tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia trong những ngày đầu năm 2020 đã giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, có thể thấy kết quả tích cực khi có chủ trương siết chặt từ đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái cho tới việc tuần tra, kiểm soát phương tiện tham gia giao thông... Tuy nhiên, dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh cho rằng để việc kiềm chế tai nạn giao thông đạt kết quả tốt, các cơ quan chức năng trong tỉnh phải thực hiện Nghị định số 100 và Thông tư số 38 quyết liệt, liên tục ngay từ khi mới có hiệu lực…