Hồ Núi Cốc là điểm du lịch lớn nhất tỉnh với lưu lượng vài chục nghìn khách mỗi năm. Đặc biệt, với việc hình thành 3 đảo hoa do các tổ chức, cá nhân mới đầu tư đã hút khách tham quan, chụp ảnh cả 4 mùa trong năm. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là chỉ có một số đơn vị đầu tư tầu, xuồng máy đảm bảo các điều kiện vận chuyển khách tham quan đường thủy, còn lại đều sử dụng phương tiện tự chế, không đảm bảo an toàn nhưng vẫn chở khách tham quan…
Khảo sát tại khu vực hồ Núi Cốc, chúng tôi thấy có các đơn vị, gồm: Công ty cổ phần Du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc, Đoàn An dưỡng số 16 (Bộ Quốc phòng) có tầu chở khách được đầu tư tương đối đồng bộ, đảm bảo an toàn đường thủy, có hồ sơ quản lý tại cơ quan chức năng. Trong đó, Đoàn An dưỡng số 16 có 2 tầu cao tốc hiện đại do Bộ Quốc phòng trang bị; Công ty cổ phần Khách sạn Công đoàn hồ Núi Cốc có 8 tầu, Doanh nghiệp tư nhân Hà Thái có 2 tầu và Công ty cổ phần Nam Phương có 2 xuồng máy thực hiện đăng kiểm phương tiện theo quy định của pháp luật. Còn lại số tầu hoạt động trên hồ Núi Cốc đều là phương tiện tự chế dùng để vận chuyển hàng hóa, đánh cá, không có hồ sơ thiết kế để quản lý nhưng khi khách có nhu cầu vẫn đưa đi tham quan khắp mặt hồ. Anh Đào Văn Trọng, một người dân ở xã Tân Thái (Đại Từ) cho biết: Vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ, Tết, khách tham quan hồ Núi Cốc đông nên nhiều chủ tầu không có giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách cũng tham gia dịch vụ này. Không phải phương tiện chuyên dùng chở khách nên trên tầu chủ phương tiện chỉ kê mấy ghế băng, trải chiếu để khách ngồi nên dễ xảy ra tai nạn khi gặp gió lớn.
Từ năm 2017 trở lại đây, trên hồ Núi Cốc xuất hiện các đảo hoa do một số tổ chức, cá nhân đầu tư để kinh doanh các dịch vụ du lịch nên thu hút nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh tất cả các mùa trong năm. Anh Nguyễn Văn Thành, nhân viên của Công ty cổ phần Nam Phương cho biết: Chúng tôi có 2 xuồng máy cỡ nhỏ phục vụ khách tham quan trên hồ Núi Cốc. Xuồng máy đầu tư lớn nhưng mỗi chuyến chỉ vận chuyển được 4 khách nên chúng tôi phải thu từ 150-200 nghìn đồng/lượt mới đảm bảo có lãi. Trong khi các chủ tầu xi măng cỡ nhỏ chỉ thu 50 nghìn đồng/lượt và chở được 30-40 người nên nhiều khách tham chọn phương tiện rẻ này, chứ ít nghĩ đến vấn đề an toàn.
Đầu tư một chiếc tầu vỏ xi măng đảm bảo mã lực và các điều kiện để thực hiện các yêu cầu đăng kiểm phải hết 300 triệu đồng, trong khi người dân không có điều kiện kinh tế nên chỉ đầu tư ở mức trên dưới 100 triệu đồng/tầu. Các tầu vỏ xi măng cỡ nhỏ trên hồ Núi Cốc chủ yếu được người dân sử dụng để vận chuyển vật liệu nhưng khi khách có nhu cầu vẫn đưa đi tham quan. Đồng chí Bùi Xuân Trưởng, Phó Trưởng phòng Quản lý phương tiện và Người lái (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Năm 2018, cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phối hợp với chúng tôi tổng kiểm tra toàn bộ phương tiện đường thủy hoạt động trên các hồ trong tỉnh và phát hiện nhiều phương tiện không đảm bảo an toàn nên đã yêu cầu chủ phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Riêng việc vận chuyển hành khách trên hồ Núi Cốc chủ yếu do các doanh nghiệp có phương tiện đảm bảo an toàn thực hiện nên khi xuất hiện các chủ tầu nhỏ lẻ, không có đăng ký, đăng kiểm thực hiện vận chuyển khách tham quan có nguy cơ gây tai nạn đuối nước, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở có văn bản gửi UBND 9 huyện, thành, thị để phối hợp quản lý.
Hồ Núi Cốc đã được Chính phủ phê duyệt là khu du lịch trọng điểm cấp Quốc gia nên ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng nên tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật. Trong đó có có việc vận chuyển hành khách bằng những phương tiện không đảm bảo an toàn, tránh để xảy ra tai nạn đáng tiếc.