Những ngày qua, Thái Nguyên bước vào đợt cao điểm nắng nóng thứ hai. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến hết tháng 6. Tuy nhiên, các đợt nắng nóng vẫn tiếp diễn trong tháng 7 và dự kiến sẽ “khốc liệt” hơn. Với hình thái thời tiết như thế này thì cháy nổ rất dễ xảy ra nhất là đối với các loại xe ô tô.
Chị Nguyễn Thanh Hoa, ở tổ 4, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) nói: Mấy hôm nay, nhiệt độ tăng, trời nắng nóng, oi bức, tôi đã lựa chọn đỗ xe ô tô dưới tán cây nhưng trước khi khởi động máy, từ ghế, vô - lăng… trong xe đều nóng “bỏng” tay. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, với thời tiết mùa hè oi bức như hiện nay, ô tô đậu dưới cái nắng gay gắt trong thời gian khá dài sẽ khiến cho nhiệt độ trong xe tăng cao, kể cả nội thất bên trong cũng bị ảnh hưởng. Khi để xe dưới trời nắng khoảng 39-40 độ C, thì nhiệt độ có thể lên đến hơn 60 độ C ở trong xe. Do đó, tôi rất lo không may, ô tô của mình có thể phát nổ.
Lo lắng của chị Hoa là có cơ sở khi những ngày gần đây, trong cả nước, có khá nhiều xe ô tô đã bị bốc cháy. Đơn cử như vụ cháy xe khách biển số Nghệ An khi đang đi đến đoạn cầu Nguyệt Viên, T.P Thanh Hóa (Thanh Hoá), vào khoảng 12 giờ ngày 20-6 vừa qua. Vụ cháy tuy không thiệt hại về người nhưng cũng gây thiệt hại lớn về tài sản.
Đối với Thái Nguyên, khoảng 3 năm nay cũng đã xuất hiện gần chục trường hợp xe ô tô bị bốc cháy. Đáng lưu ý nhất là trong tháng 9 năm 2019, chỉ trong vòng 10 ngày (từ 14 đến 24-9) đã có 3 chiếc ô tô bị bốc cháy, trong đó, 2 chủ xe có địa chỉ thường trú tại phường Túc Duyên và Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) và 1 chủ xe ở Cổ Lũng (Phú Lương). Nguyên nhân cháy xe được cơ quan chức năng xác định là do chập điện. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cũng tạo sự “cộng hưởng” để các xe ô tô “dễ dàng” bốc cháy hơn.
Ông Nguyễn Quang Tùng, chủ Gara sửa chữa ô tô trên đường Bắc Kạn, thuộc tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho hay: Tôi làm nghề sửa chữa ô tô hơn 20 năm rồi. Tôi thấy, việc lắp thêm các thiết bị không có trong thiết kế của xe, không được kiểm soát gây quá tải cho hệ thống điện có thể dẫn đến chập, cháy ngay trên xe. Thậm chí, không ít chủ xe, sau nhiều lần sửa chữa phương tiện còn thay thế những vật liệu có khả năng chống cháy như tấm xốp, vách ngăn... bằng những vật liệu khác không đảm bảo chất lượng nên khi chập điện, dưới thời tiết nắng nóng, khả năng bắt lửa rất cao.
Bởi vậy, ông Tùng đã khuyến cáo các chủ xe ô tô nên thận trọng và bảo vệ thật tốt cho tài sản của mình trong những ngày nắng nóng. Không nên mang lên xe những vật dụng dễ phát nổ như pin, bật lửa, nước hoa, dung dịch tẩy móng tay, nước ngọt có gas... Bởi hơi nóng trong ca-bin làm tăng áp suất các chất lỏng khiến chúng nổ tung khi chúng ta để xe trực tiếp dưới trời nắng. Đặc biệt, khi nhiệt độ lên cao đỉnh điểm thì khả năng gây cháy nổ của các vật dụng, hóa chất này sẽ cao hơn gấp 2 - 3 lần so với bình thường.
Vì thế. các chủ xe ô tô nên thường xuyên kiểm tra, rà soát kỹ càng hệ thống điện của phương tiện; khi phát hiện thấy có dấu hiệu khác lạ (khó nổ, có hơi xăng, có tiếng kêu bất thường, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét) cần khắc phục ngay; vệ sinh khoang xe và bảo dưỡng định kỳ; không nên lắp đặt các phụ kiện không có trong thiết kế xe, dẫn đến nguồn điện bị quá tải gây cháy, nổ. Đặc biệt, việc lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện trái với quy định (đèn công suất cao, cản trước/cản sau…) vào ô tô không chỉ tạo ra nguy cơ cháy nổ mà còn có thể bị từ chối đăng kiểm; thậm chí là bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Giao thông đường bộ với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng…