Tuyến đường nối từ Quốc lộ 17 vào rừng Ngàn Me (người dân thường gọi là đường Ngàn Me), thuộc xóm Cầu Đã, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) nhiều năm nay bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con. Người dân nơi đây mong muốn các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường để đi lại thuận tiện hơn.
Xóm Cầu Đã hiện có 152 hộ dân, 607 nhân khẩu (chủ yếu là dân tộc Sán Dìu), trong đó, có khoảng 40 hộ dân sống rải rác dọc tuyến đường vào khu rừng Ngàn Me. Tuyến đường này có tổng chiều dài hơn 4km, trong đó, hơn 1km được đổ bê tông, còn lại là đường đất. Không chỉ vậy, dọc tuyến đường này có tới 11 con suối nhỏ, người dân phải làm cầu tạm bắc qua để đi lại nên gặp không ít khó khăn. Vào mùa mưa bão, con đường không chỉ trơn trượt, nước lũ còn dội từ thượng nguồn rừng Ngàn Me xuống khiến các cây cầu tạm bị ngập chìm trong nước, người dân bị cô lập hoàn toàn. Bà con ở đây cho biết, đã có nhiều người bị nước cuốn trôi khi qua cầu nhưng may mắn thoát chết.
Chị Nguyễn Thị Lý, người dân sống hơn 40 năm ở đây chia sẻ: Chúng tôi theo cha ông lên đây khai hoang lập nghiệp. Con đường đất này cũng có từ hàng chục năm trước. Theo thời gian, mưa bão gây xói lở đất đá từ rừng xuống, xe chở lâm sản đi lại nhiều khiến tuyến đường xuống cấp trầm trọng, đi lại rất khó khăn, nhất là trẻ con đi học. Chuyện học sinh bị trơn ngã trên đường tới trường, đi học bị muộn giờ, nước cuốn trôi hoặc nghỉ học khi có mưa bão diễn ra thường xuyên.
Trong câu chuyện của bà con, chúng tôi còn biết thêm, ở khu vực này không có sóng điện thoại nên mỗi khi có người ốm, đau cần đưa đi viện thì khó khăn nhân lên gấp nhiều lần vì đường xá lầy lội. Cách đây gần 2 năm, được Nhà nước hỗ trợ 240 triệu đồng theo Chương trình 135, các hộ dân ở đây đã đối ứng thêm 700 nghìn đồng/người mới làm được hơn 1km đường bê tông. Ông Vy Văn Thạch, Trưởng xóm Cầu Đã cho biết: Trong xóm chúng tôi, cơ bản các tuyến đường đều được đổ bê tông sạch sẽ, chỉ riêng có con đường Ngàn Me là chưa được làm vì khái toán đối ứng lên cao. Qua tính toán, nếu làm nốt gần 3km đường còn lại, được Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân vẫn phải nộp đối ứng hơn 6 triệu đồng/nhân khẩu.
Bà Bùi Thị Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết: Cầu Đã là xóm 135, đời sống của người dân phụ thuộc chủ yếu vào nông, lâm nghiệp nên còn nhiều khó khăn. Những năm qua, địa phương đã ưu tiên nguồn vốn từ Chương trình 135 để xây dựng tuyến đường trong xóm, tuy nhiên, vì nguồn vốn hỗ trợ không nhiều nên mới làm được ¼ tuyến đường. Về việc này, qua các kỳ tiếp xúc cử tri, xã Tân Lợi cũng đã đề nghị các cấp, ngành quan tâm, sớm ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng cho người dân tuyến đường để đi lại thuận lợi.