Gần mười năm nay, người dân xóm Ba Họ, xã Yên Ninh (Phú Lương) vẫn luôn mong mỏi có một con đường bê tông liên xóm để đi lại cho đỡ vất vả. Mặc dù, mong muốn này của người dân đã được đề đạt tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri nhưng đến nay, đường lên Ba Họ vẫn còn rất gian nan.
Chúng tôi đến Ba Họ vào một ngày đầu tháng 6. Từ Quốc lộ 3 lên trung tâm xóm phải băng qua một con suối dài thuộc xóm Đồng Danh, leo lên nhiều dốc cao gập ghềnh đá tảng, đoạn dốc cao và dài nhất cũng gần 100m. Nếu tay lái không vững thì rất khó có thể đi trên con đường này, đặc biệt là vào khi trời mưa. Mặc dù đoạn đường chỉ dài gần 4km nhưng chúng tôi phải đi mất hơn 30 phút mới lên tới nơi, đôi lúc còn suýt ngã khi đi qua những dốc cao, đá lởm chởm.
Hiện cả xóm có 31 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Hầu hết các hộ đều sinh sống trên đỉnh núi, cách trung tâm xã 7km và chỉ có 1 con đường duy nhất để vào được nơi đây. Cũng vì đường đi lại khó khăn mà vào những ngày trời mưa, hầu như học sinh đều phải nghỉ học do mực nước dâng gây ngập cục bộ, chia cắt nhiều đoạn đường, mặt đường lầy lội, trơn trượt. Hiện nay, cả xóm có 29 học sinh. Để tránh việc phải nghỉ học khi trời mưa, có nhiều hộ đã cho con ở trọ tại các xóm gần trường. Đáng ngại hơn là khi trong xóm có người ốm đau phải đưa đi cấp cứu vào lúc trời mưa, người dân phải dùng cáng hoặc cõng người bệnh xuống núi để đưa ra cơ sở y tế.
Ông Hoàng Thông Báo, Bí thư Chi bộ xóm Ba Họ cho biết: Con đường đất này được Nhà nước làm cách đây gần 30 năm. Qua nhiều năm sử dụng, đường đã bị hư hỏng nặng, nước mưa gây xói mòn, xuất hiện các rãnh sâu và hố lớn trên mặt đường. Hàng năm, chúng tôi đều phải kêu gọi bà con góp tiền và ngày công để sửa chữa mặt đường. Trung bình mỗi năm chúng tôi phải sửa 2 lần, mỗi lần kinh phí khoảng 25 triệu đồng thì mới có thể đi lại được.
Anh Hoàng Xuân Thăng, Trưởng xóm Ba Họ cho biết: Đường đi trắc trở ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế của người dân dân. Hiện nay, hàng hoá của người dân sản xuất ra rất khó tiêu thụ, chi phí vận chuyển lớn. Như gia đình tôi, thu nhập chủ yếu là từ sản xuất chè và trồng keo. Mỗi năm tôi thu được 6 lứa chè, mỗi lứa được 30kg chè khô. Sản phẩm sản xuất ra không có thương lái đến thu mua, tôi phải mang xuống chợ Yên Ninh bán với giá 50.000 đồng/kg. Trung bình mỗi lứa tôi thu được 1,5 triệu đồng. Trừ các chi phí chỉ thu được hơn 500.000 đồng.
Ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết: Cả xóm chỉ có 31 hộ dân nên việc đóng góp làm đường rất khó khăn. Nếu con đường liên xóm này được đổ bê tông thì không chỉ người dân xóm Ba Họ mà còn có hơn 200 hộ dân ở xóm Đồng Danh cũng sẽ được hưởng lợi, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu văn hoá, trao đổi buôn bán, giúp nhau phát triển kinh tế trong bà con. Mặc dù, xã đã có văn bản đề xuất với cấp trên, nhân dân ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri về việc xem xét, hỗ trợ nguồn lực cho xóm làm đường giao thông nông thôn nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn phân bổ.
Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp của địa phương trong thời gian qua, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: Huyện cũng đã nắm bắt được những khó khăn của xóm và cũng biết việc cần thiết phải làm tuyến đường cho bà con đi lại. Tuy nhiên, địa phương không thể cân đối được nguồn lực để đầu tư thực hiện. Bởi theo dự toán, chi phí để làm gần 4km đường này là gần 15 tỷ đồng. Do đó, từ năm 2016, huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan để xin cấp vốn đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn từ Quốc lộ 3 đi xóm Ba Họ, xã Yên Ninh. Năm 2017, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án đường giao thông này và giao các sở liên quan phối hợp. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa được ghi vốn thực hiện. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đề nghị tỉnh quan tâm, sớm cân đối vốn để làm đường giao thông cho bà con.