Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đặc biệt là vào khung giờ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau; tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải, là một số giải pháp cần thực hiện ngay để kéo giảm các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Đó là ý kiến của TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khi trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, liên quan các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra trên cả nước. Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc trao đổi:
PV: Chỉ trong hơn nửa tháng, từ ngày 10 đến 26-7, nước ta ghi nhận tới bốn vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng với số thương vong lớn (ở Hạ Long-Quảng Ninh, Kon Tum, Bình Thuận và Quảng Bình). Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
TS Khuất Việt Hùng: Thực tế, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tất cả các vụ tai nạn đều trực tiếp từ người điều khiển phương tiện. Thí dụ như vụ tai nạn ở Kon Tum, người lái xe điều khiển phương tiện xuống đèo dốc nhưng chạy nhanh dẫn đến vụ tai nạn; vụ tai nạn ở Quảng Bình (ngày 26-7) cũng thế; còn vụ tai nạn ở Bình Thuận, theo như thông tin ban đầu, lái xe vượt ẩu gây ra vụ tai nạn.
Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp từ người điều khiển phương tiện, trong tất cả các vụ tai nạn liên quan đến phương tiện kinh doanh vận tải đều có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của những đơn vị kinh doanh vận tải.
Thông thường, các đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận theo dõi an toàn giao thông để giám sát và nhắc nhở lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông.
Như vụ tai nạn trong Kon Tum, xe khách này hoạt động trái luồng tuyến rất lâu rồi nhưng đơn vị kinh doanh vận tải quản lý xe khách này cũng không điều chỉnh, tức là người ta hoàn toàn biết việc vi phạm nhưng người ta không quản lý.
Rồi ngay như vụ tai nạn giao thông ở Quảng Bình cũng có dấu hiệu của vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải. Theo thông tin được cung cấp thì người lái xe chỉ có giấy phép lái xe hạng B2 trong khi điều khiển xe 47 chỗ đòi hỏi giấy phép lái xe hạng E.
Có thể đánh giá, công tác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải là rất có vấn đề.
Đồng thời ở đây, chúng ta cũng không thể không nhắc đến vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong việc chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện những đơn vị kinh doanh vận tải đã có lịch sử không làm tốt công tác quản lý an toàn giao thông trong doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, bản thân những lực lượng chức năng làm việc trên đường cũng chưa phát hiện ra hành vi vi phạm của các phương tiện cũng như của người điều khiển phương tiện để xử lý.
Hiện trường vụ xe khách lao xuống vực ở Kon Tum, ngày 11-7-2020, làm 6 người chết và 34 người bị thương. (Ảnh: PHÚC THẮNG).
PV: Trong 4 vụ tai nạn giao thông thì có tới 3 vụ (ở Hạ Long - Quảng Ninh, Kon Tum và Bình Thuận) xảy ra trong khung giờ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Một số chuyên gia cho rằng, những quy định đối với vận chuyển vào ban đêm hiện nay còn thiếu và yếu, ông đánh giá thế nào về nhận định này?
TS Khuất Việt Hùng: Thực ra, từ khung giờ 18 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau, ở quốc gia nào tai nạn giao thông cũng có tỷ lệ vào ban đêm là cao và gần như tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến nhiều thương vong cũng thường rơi vào khung giờ đó, chứ không chỉ ở Việt Nam.
Trong giai đoạn vừa rồi, chúng ta thấy xảy ra 3 trong 4 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng thì rơi vào khung giờ này. Đã có những ý kiến khác nhau đòi hỏi chúng ta phải thay đổi phương thức quản lý, tôi cũng đồng tình với một số ý kiến cho rằng, chúng ta phải xem lại quy định pháp luật về vận chuyển vào ban đêm.
Thứ nhất, nên chăng điều chỉnh, có quy định chặt chẽ hơn, nếu điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện giao thông vận tải, trong khung giờ từ 18 giờ cho đến 5 giờ sáng ngày hôm sau thì thời gian lái xe liên tục là phải rút xuống, thí dụ như có ý kiến đề nghị là chỉ lái xe hai tiếng rồi nghỉ xong rồi mới được điều khiển tiếp.
Thứ hai, trong khung giờ đêm không thực hiện theo quy định 10 tiếng làm việc liên tục mà phải điều chỉnh, thí dụ như tổng thời gian lái xe trong buổi tối không được quá sáu tiếng hay tám tiếng chẳng hạn chứ không phải 10 tiếng như theo quy định pháp luật hiện nay.
Một phần nữa là công tác tuần tra kiểm soát trường hợp vi phạm. Thực tế, trong thời gian vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đã có nỗ lực nhưng cũng phải khẳng định là khung giờ từ 21 giờ cho đến 5 giờ sáng ngày hôm sau thì tần suất cũng như mức độ tuần tra kiểm soát thưa hơn so với thời gian sớm hơn hoặc thời gian ban ngày.
PV: Trong thời gian qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã thực hiện những giải pháp nào để kéo giảm tai nạn giao thông, thưa ông?
TS Khuất Việt Hùng: Trong những năm trở lại đây và ngay trong năm 2020, chúng ta thấy đã có xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thí dụ như vụ tai nạn gần đây nhất tại Quảng Bình số lượng người thương vong rất lớn. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông của cả năm cũng được kéo giảm. Đến giờ phút này, chúng tôi khẳng định là số người chết, số người bị thương, số vụ tai nạn giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực hiện kéo giảm tai nạn giao thông có nhiều giải pháp, đặc biệt là chúng ta ban hành và thực hiện những quy định pháp luật mới, thí dụ như Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, rồi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Chúng ta tăng cường tuyên truyền nhưng đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm.
Chúng ta cũng tiếp tục xử lý, khắc phục những điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau; nâng cao năng lực, chất lượng của các dịch vụ y tế cứu thương. Những giải pháp được thực hiện tương đối đồng bộ giúp cho tình hình tai nạn giao thông được kéo giảm.
Thế nhưng rõ ràng là trong một tháng trở lại đây đã xuất hiện những vấn đề nổi cộm. Có thể nói, chúng tôi cũng đã dự báo vấn đề này sau khi chúng ta dừng giãn cách xã hội và kinh tế phục hồi trở lại thì có một bộ phận người lái xe và người tham gia giao thông có tâm lý chủ quan, có thể nghĩ là lực lượng chức năng đang lo chống dịch hoặc sau khi chống dịch cũng có thể lơi lỏng hơn cho nên họ vi phạm, thậm chí có nhiều người cố tình vi phạm. Cá biệt như một số địa phương, như Hà Nội chẳng hạn, tái diễn tình trạng đua xe.
Về tai nạn giao thông đối với xe khách thì trong thời gian dài chúng ta cũng có ghi nhận nhưng số lượng không nhiều nhưng trong khoảng chưa đầy một tháng thì xảy ra đến ba vụ liên quan xe kinh doanh vận tải là xe khách. Đó là những diễn biến khá là bất thường so với thời gian trước. Vì vậy cho nên, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo lực lượng công an phải tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đặc biệt là tập trung xử lý vi phạm vào khung giờ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.
Vụ lật xe khách tại Quảng Bình ngày 26-7-2020 đã làm ít nhất 15 người chết và 21 người bị thương. (Ảnh: HƯƠNG GIANG)
PV: Trước tình trạng các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tăng đột biến chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, theo ông, những giải pháp nào có thể thực hiện ngay để góp phần khắc phục tình trạng này?
TS Khuất Việt Hùng: Như tôi đã nói ở trên, vấn đề này đã có chỉ đạo rất rõ là tăng cường tuần tra kiểm soát giờ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng. Bên cạnh đó, ngành Giao thông các địa phương cần tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải để yêu cầu các đơn vị này phải thực hiện nghiêm những quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông. Thí dụ như phải thực hiện theo dõi giám sát hành trình để phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm tốc độ, vi phạm lộ trình, luồng tuyến của người điều khiển phương tiện. Trước hết là nhắc nhở sau đấy là phải có giải pháp chấn chỉnh.
Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải thực hiện nghiêm những quy định về tổ chức lao động cho người lái xe, không thể nào buông lỏng, khoán trắng cho người lái xe được. Thí dụ như vụ tai nạn xảy ra ở Kon Tum, người lái xe cứ tự vi phạm luồng tuyến thì bản thân doanh nghiệp phải tổ chức, quản lý để thứ nhất người ta đi đúng quy định pháp luật, thứ hai là người ta không hoạt động quá thời gian quy định, không bị mệt mỏi dẫn đến tai nạn giao thông.
Chúng ta cũng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tác hại rượu bia cũng như Nghị định 100. Ngành giao thông có hai việc, việc thứ nhất là vấn đề hạ tầng thì vẫn phải khẩn trương hoàn thành những công trình, kết cấu hạ tầng để đưa công trình mới, công trình nâng cấp vào khai thác sẽ an toàn hơn; thứ hai là tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch bảo trì và tổ chức giao thông cho tốt, khi phát hiện những điểm đen, điểm tiềm ẩn giao thông thì tiếp tục khắc phục.
Vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta phải làm thường xuyên, bền bỉ và bằng nhiều hình thức khác nhau là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Phải khẳng định quyết tâm là cho dù chúng ta chống dịch hay trong bất cứ hoàn cảnh nào thì chúng ta vẫn phải đồng thời thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Song song với đó, cần tuyên truyền cho người dân đồng tình quan điểm là chống dịch đồng thời thực hiện nghiêm quy định pháp luật và phù hợp với các điều kiện mà đất nước đang có dịch. Tuyệt đối vẫn thực hiện theo chủ đề năm an toàn giao thông đã uống rượu bia không lái xe.
PV: Đối với người tham gia giao thông, ông có khuyến cáo gì để nâng cao trật tự an toàn giao thông, thưa ông?
TS Khuất Việt Hùng: Đối với người tham gia giao thông, khi tham gia giao thông trước tiên là an toàn cho mình, thứ hai là an toàn cho xã hội. Việc mỗi người an toàn cũng chính là tiền đề quan trọng để mình có thể mạnh khoẻ thì gia đình mình có thể phát triển, hạnh phúc. Cho nên, tôi đề nghị tất cả những người tham gia giao thông tuân thủ những quy định của pháp luật, tuân thủ những hướng dẫn của các lực lượng chức năng khi mà mình tham gia giao thông. Cố gắng tiếp tục thực hiện nghiêm khẩu hiệu đã uống rượu bia, không lái xe.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.