Đó là đoạn thuộc tuyến Quốc lộ 37 qua khu vực dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo (Đại Từ). Do có độ dốc cao, cong cua, hẹp và tầm nhìn hạn chế nên đoạn đường này rất dễ xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông không cẩn trọng chú ý quan sát và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông.
Dự án cải dịch Quốc lộ 37, đoạn Km 147+154,97 - Km 151+230 qua khu vực dự án khai thác khoáng sản Núi Pháo được đầu tư xây dựng với mục đích thay thế tuyến Quốc lộ 37 cũ để phục vụ cho việc xây dựng mặt bằng Nhà máy khai thác khoáng sản Núi Pháo. Dự án triển khai thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015 được đưa vào sử dụng.
Việc thiết kế làm cầu vượt qua khu vực Dự án đã tạo độ dốc cao, nhiều đoạn cua, thêm vào đó, đây là tuyến giao thông huyết mạch nối Thái Nguyên với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và nối Đại Từ với các địa phương trong tỉnh, mật độ phương tiện qua lại rất đông, trong khi mặt đường khá nhỏ hẹp, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Đặc biệt là phía cuối tuyến, tại địa phận xóm 2, thị trấn Hùng Sơn vẫn còn đoạn mái taluy chưa được thi công hoàn thiện do vướng mặt bằng và chưa giải phóng hành lang an toàn toàn tuyến làm khuất tầm nhìn.
Mặc dù cơ quan chức năng đã bố trí vạch kẻ sơn liền ở những đoạn dốc và đoạn cong cua để không cho phương tiện lấn sang làn ngược chiều, tuy nhiên, nhiều người không thực hiện theo hệ thống báo hiệu đường bộ này. Theo quan sát của chúng tôi, tại một số điểm cua có kẻ vạch liền, rất nhiều phương tiện đè vạch, lấn làn. Ngoài ra, do hai bên mái taluy đường của khu vực này có độ dốc rất lớn, chiều cao lên tới hàng chục mét, đất ở khu vực này lại tơi bở, kết dính kém, nên thường xảy ra sạt lở đất, đá.
Từ khi đoạn đường này đưa vào sử dụng, hầu như năm nào ở đây cũng xảy ra sạt lở, mỗi lần như vậy, đất đá tràn xuống lòng đường cùng với nước mưa chảy lan ra đường gây cản trở giao thông và trơn trượt rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Có lần sạt lở, ngoài đất đá còn có gần 10m kè bê tông đã bị gãy và rơi xuống lòng đường, may mắn không rơi trúng người qua đường. Bởi có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa đến tính mạng, phương tiện và tài sản, gây tâm lý bất an cho người tham gia giao thông, nên một số người dân gọi đoạn đường này là “đèo nguy hiểm”.
Để hạn chế rủi ro cho người và phương tiện đi qua đoạn đường này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên lắp thêm hệ thống biển cảnh báo đoạn đường nguy hiểm để người dân nêu cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông. Đặc biệt là đối với những người lần đầu qua đây, chưa biết hết những nguy cơ tiềm ẩn của đoạn đường có ý thức quan sát, giảm tốc độ để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Về lâu dài, nên có biện pháp hạ thấp độ dốc mái taluy hai bên đường, GPMB hành lang an toàn đường bộ toàn tuyến. Về phía người tham gia giao thông, để tránh những tai nạn có thể xảy ra, khi đi qua đoạn đường này cần nêu cao ý thức thực hiện nghiêm tín hiệu hệ thống báo hiệu đường bộ, không phóng nhanh, vượt ẩu, không vì nhanh một phút mà phải đánh đổi cả tính mạng.