Thống kê sơ bộ cho thấy, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, 1 vụ rất nghiêm trọng và 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Công an T.P Thái Nguyên đã quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với 31 vụ TNGT. Điều này cho thấy tai nạn giao thông ngoài thiệt hại về tài sản, người gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Đồng chí Dương Văn Việt, cán bộ Đội Điều tra, tổng hợp, Công an T.P Thái Nguyên cho biết: Thống kê từ các vụ TNGT gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn Thành phố thời gian qua do Đội thụ lý, ngoài nguyên nhân khách quan thì cơ bản lý do từ phía người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không nhường đường cho người đi bộ, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt xe sai quy định, không giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn khi có chướng ngại vật… dẫn tới các vụ TNGT thương tâm, gây thiệt hại tính mạng người và tài sản.
Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17 giờ 20 phút ngày 23-5 do lái xe buýt điều khiển phương tiện vượt sai quy định. Thời điểm trên, lái xe P.H.H., sinh năm 1984, hộ khẩu thường trú: Phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) điều khiển xe buýt trên đường Lương Ngọc Quyến từ hướng Đồng Quang đi ngã ba Mỏ Bạch. Đến đoạn tổ 9, phường Hoàng Văn Thụ, lái xe điều kiển xe sang phần đường bên trái để vượt ô tô phía trước thì phát hiện có ô tô khác chạy ngược chiều nên đã đánh tay lái sang bên phải để tránh khiến phần đầu xe buýt va vào xe mô tô do anh Đ.V.T. sinh năm 1983, hộ khẩu thường trú tổ dân phố Giang Long, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) điều khiển. Hậu quả, anh Đ.V.T. tử vong tại chỗ. Hành vi của bị can P.H.H. đã vi phạm khoản 2, điều 14, Luật Giao thông đường bộ. Công an Thành phố đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với P.H.H.
Rõ ràng, TNGT là điều không ai mong muốn, song khi tham gia giao thông, nếu chúng ta chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ sẽ tránh được những vụ tai nạn thương tâm, không bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản bản thân và không bị nguy cơ chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 260, Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia đường bộ, tùy mức độ vi phạm mà người gây TNGT có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm hoặc 3-10 năm, 7-15 năm… Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Để giảm thiểu TNGT, nhất là các vụ TNGT nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất. Tập trung xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, các cấp, ngành sẽ phối hợp với các nhà trường, cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tới học sinh, sinh viên và nhân dân. Song, điều quan trọng nhất là mỗi người cần nâng cao nhận thức, tuân thủ đúng quy tắc an toàn như đi đúng phần đường, làn đường, đúng tốc độ… để không gặp những hậu quả đáng tiếc xảy ra từ các vụ TNGT nghiêm trọng khiến “tiền mất, tật mang” và nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự.