Thời gian gần đây, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nhưng tình trạng các phương tiện dừng, đỗ, đón trả khách trái phép; chạy quá tốc độ; không giữ khoảng cách an toàn, xe mô tô, gắn máy đi vào đường cao tốc… vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt, tình trạng các phương tiện giao thông bị ném đá khi đang lưu thông trên đường cao tốc vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý.
Từ nhiều năm nay, khu vực nút giao Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) đã trở thành một “bến xe” tự phát khi nhiều phương tiện vận tải hành khách ngang nhiên dừng, đỗ, đón trả khách dù không được phép. Có mặt tại khu vực này vào sáng 22-1, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng giao thông rất lộn xộn. Cứ mỗi khi có xe ô tô dừng, đỗ đón trả khách thì lực lượng xe ôm thường xuyên túc trực ở đó liền lao ra đường để chèo kéo khách, rất nguy hiểm. Khu vực này cũng thường xuyên có nhiều phương tiện xe mô tô, gắn máy đi vào, trong đó có cả những người điều khiển xe mô tô, gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở hàng hóa cồng kềnh, thậm chí còn đi ngược chiều xen giữa những phương tiện ô tô khác.
Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự tại một số nút giao khác trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, như: Nút giao Tân Lập, nút giao Sông Công; nút giao Yên Bình… Đặc biệt, tại khu vực gầm cầu vượt gần khu công nghiệp Điềm Thụy và gầm cầu vượt gần Công ty Samsung Thái Nguyên, người dân còn tự ý phá dỡ rào chắn để vào đường cao tốc bắt xe, gửi hàng hóa.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hải, tổ 2, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi làm nghề lái xe vận tải hàng hóa nên thường xuyên phải lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Lần nào lưu thông trên tuyến đường này tôi cũng có cảm giác bất an, nơm nớp nỗi lo xảy ra tai nạn vì các phương tiện ô tô dừng đỗ, đón trả khách rất tùy tiện, đặc biệt nguy hiểm là tình trạng xe máy đi vào đường cao tốc vẫn xảy ra khá nhiều…
Tình trạng xe thô sơ, xe mô tô, gắn máy đi vào đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bên cạnh những vi phạm nói trên, thời gian gần đây, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lại tiếp tục tái diễn tình trạng các phương tiện giao thông bị ném đá khiến cho người dân không khỏi lo lắng mỗi khi lưu thông trên tuyến đường này. Theo phản ánh của người dân, từ cuối tháng 11-2020 đến nay, đã có ít nhất 5 trường hợp phương tiện giao thông bị ném đá khi đi qua khu vực gầm cầu vượt gần nút giao Tân Lập và nút giao Yên Bình. Mặc dù, lực lượng công an các địa phương đã tích cực vào cuộc điều tra để xử lý tình trạng này, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa tìm ra bất kỳ thủ phạm nào gây ra hành vi nguy hiểm này.
Theo thống kê của Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình Bắc - Nam, đơn vị được giao quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, trong năm 2020, trên tuyến đường này đã xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông (tăng 12 vụ so với năm 2019), khiến 1 người chết và 26 người bị thương. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xuất phát từ các lỗi vi phạm, như: Dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; chạy quá tốc độ; không giữ khoảng cách an toàn; xe mô tô, gắn máy đi vào đường cao tốc…
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Long, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình Bắc - Nam cho biết: Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, chúng tôi thường xuyên bố trí nhân viên túc trực 24/24 giờ tại khu vực các nút giao. Tuy nhiên, nhân viên công ty chỉ có thể nhắc nhở chứ không có chức năng xử lý đối với những hành vi dừng, đỗ, đón trả khách và đi xe mô tô, gắn máy vào đường cao tốc… Thậm chí khi bị nhắc nhở, nhiều lái xe và tài xế xe ôm còn đe dọa, hành hung nhân viên của Công ty.
Về vấn đề này, Thiếu tá Nguyễn Kim Thi, Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4, Cục Cảnh sát giao thông thông cho biết: Theo quy định hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý vi phạm tại điểm đầu và điểm cuối của đường cao tốc, trong khi đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lại chưa có camera giám sát nên việc xử lý các hành vi vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian tới, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đề nghị với Cục Quản lý đường bộ sớm lắp đặt hệ thống camera giám sát trên tuyến đường này, đặc biệt là tại khu vực các nút giao và gầm cầu vượt, nơi thường xảy ra các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.