Kỳ 2: Trụ cột quan trọng trong phát triển đô thị thông minh

10:54, 25/06/2021

Trong những trụ cột chính của phát triển đô thị thông minh thì xây dựng hệ thống giao thông thông minh (GTTM) đóng vai trò hết sức quan trọng. Điều này được khẳng định tại Đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025” ban hành cuối tháng 3 vừa qua. Đề án đã đưa ra những giải pháp với lộ trình cụ thể để góp phần giảm ùn tắc và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn…

Những mô hình thông minh

Nắm bắt xu thế tất yếu của đô thị hiện đại, một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiên phong thực hiện chuyển đổi số và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Đi đầu trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần Vận tải Thái Nguyên. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, thông qua ứng dụng Phần mềm quản lý bến xe khách phiên bản 2.0, hiện quy trình hoạt động của Bến xe khách trung tâm T.P Thái Nguyên gần như không có sự can thiệp của con người.

Còn Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan đã xây dựng xong Website Halan.vn và đưa ra App Ha Lan để giúp khách hàng chọn chuyến xe, chỗ ngồi phù hợp kết hợp với hình thức thanh toán online. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cho biết: Đây là những giải pháp công nghệ dành cho xe hợp đồng và xe du lịch được Công ty triển khai phục vụ khách hàng. Đối với hàng hóa, khách hàng có thể kiểm soát, biết được hàng của mình đang ở vị trí nào và chủ động ra lấy hoặc báo ship tới nhà riêng.

Cùng với đó, 60 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện việc lắp thiết bị giám sát hành trình (thông qua sim di động) với tổng số trên 2.500 phương tiện. Điều này tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, giám sát hành trình xe. Hay tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới cũng đang phối hợp tốt với các đơn vị phát triển thẻ thu phí không dừng trong triển khai dán miễn phí thẻ thu phí không dừng cho phương tiện đến đăng kiểm xe.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cũng là đơn vị khá nhanh nhạy với vấn đề này. Tháng 10-2020, Đài đã mở kênh radio VOT giao thông trực tiếp tại tần số 106,5 MHz, hệ PM vào các khung giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ 45 phút - 7 giờ 45 phút, chiều từ 16 giờ 30 phút - 17 giờ 45 phút). Đến nay, sau gần 9 tháng lên sóng với hơn 450 chương trình phát sóng liên tục, kênh VOT giao thông của Đài đã tạo thuận lợi cho khán thính giả nắm bắt nhanh chóng thông tin về tình hình giao thông.

Báo Thái Nguyên cũng mở chuyên mục An toàn giao thông từ nhiều năm nay. Các tác phẩm đăng tải trên Báo không chỉ phản ánh đơn thuần về thực trạng mà còn đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến hữu ích góp phần bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh…

Hướng đi đã mở

Đề án “Tiếp tục ngăn chặn và đẩy lùi TNGT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025” đưa ra nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng trung tâm điều hành GTTM, phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, giám sát giao thông, lồng ghép với chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

Hệ thống quản lý thông minh tại Bến xe khách trung tâm T.P Thái Nguyên hạn chế tối đa sự can thiệp của con người.

Hiện nay, Sở Giao thông- Vận tải cùng với các ngành liên quan, các địa phương đang từng bước thực hiện số hóa công tác quản lý về giấy phép lái xe, quản lý phương tiện, đăng kiểm, các dữ liệu về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, giải quyết các thủ tục hành chính… Hướng tới đồng bộ toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về giao thông trên không gian mạng, phục vụ công tác quản lý, giám sát và điều hành giao thông trên nền tảng công nghệ thông tin, đồng thời cũng để phục vụ người dân tốt hơn.

Trước mắt, trong giai đoạn này, tỉnh sẽ hoàn thiện việc xây dựng hệ thống GTTM, hệ thống giám sát an ninh thông minh tại T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên.

Ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Tại các địa phương này sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, điều hành hệ thống giao thông; xây dựng trung tâm điều hành GTTM và lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông để bảo đảm việc vận hành, khai thác an toàn cho mạng lưới giao thông. Đồng thời có khả năng thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu về tình trạng hoạt động giao thông theo thời gian thực; cung cấp hướng dẫn đi lại thông qua cổng thông tin trực tuyến nhằm giảm ùn tắc và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Một số đơn vị như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ VN-IT hiện đang hỗ trợ tỉnh xây dựng thí điểm các Trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong đó có tích hợp lĩnh vực giao thông.

Trong quản lý phương tiện và con người, các trung tâm điều hành GTTM đều tích hợp hệ thống xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có kết nối xử lý vi phạm di động, xử lý vi phạm qua hình ảnh và tích hợp với hệ thống quản lý giấy phép lái xe, hệ thống quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện, cập nhật số liệu tai nạn giao thông…

Cùng với đó, tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống camera ứng dụng công nghệ tự động nhận diện lỗi vi phạm trên hệ thống đường bộ tại các khu vực đô thị và trên các đoạn tuyến quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai lắp đặt hệ thống camera phục vụ giám sát và xử lý vi phạm giao thông trên các tuyến đường trung tâm thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Trung tâm các huyện, thị xã và các tuyến giao thông trọng điểm với trên 100 mắt, lắp đặt tại 104 điểm camera giám sát giao thông với số tiền gần 60 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục đề xuất với Bộ Giao thông - Vận tải về việc đầu tư hệ thống GTTM trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (hiện là tuyến cao tốc duy nhất khu vực phía Bắc chưa có hệ thống quản lý, điều hành GTTM); phối hợp với nhà đầu tư triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại Trạm thu phí BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới, tiến tới xóa bỏ các làn thu phí sử dụng tiền mặt; quan tâm phát triển hạ tầng logictics khu vực phái Nam tỉnh với nền tảng kết nối đa phương thức giữa các phương thức vận tải để phục vụ doanh nghiệp…

(Hết)