Máy nông nghiệp tự chế lưu thông: “Thủ phạm” của nhiều vụ tai nạn

10:47, 23/06/2021

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày càng có nhiều loại máy móc nông nghiệp hiện đại được đưa vào sản xuất, hỗ trợ tích cực cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện nay phổ biến tình trạng các loại máy nông nghiệp tự chế ngang nhiên lưu thông trên đường, gây mất an toàn giao thông và tạo ra nhiều thách thức cho công tác quản lý.

 

“Thấy phải tránh xa”

Những chiếc đầu máy cày, máy xới, tắc tơ lắp ráp vốn được dùng để cải tạo đất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. Với đặc điểm nhỏ, gọn, máy khỏe, bánh lốp cỡ lớn, loại phương tiện này hoạt động được ở nhiều địa hình, kể cả những nơi khó khăn về giao thông nên được người dân ưa chuộng. Giá của mỗi chiếc máy giao động từ 20 đến 250 triệu đồng.

Thế nhưng không dừng lại ở việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, thời gian gần đây, rất nhiều máy nông nghiệp được “hô biến” thành xe kéo chuyên dụng: Thay thế từ điều khiển bằng càng sang điều khiển vô lăng, gắn thêm thùng chở hàng; lắp đặt hộp số, bộ phận nâng và ben… gần giống với xe tải. Ông Lường Văn Thức, xã Lam Vỹ (Định Hóa) nói: Tôi đã đầu từ 140 triệu để mua máy tắc tơ và lắp ráp thêm thùng hàng phía sau nhận chở hàng thuê. Không cần học qua trường lớp, chỉ cần anh em bạn bè hướng dẫn ít ngày là tôi có thể tự điều khiển.

Theo các cơ quan chức năng hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng máy nông nghiệp tự chế trên địa bàn tỉnh bởi hầu hết chủ phương tiện đều không đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật; phương tiện không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; hệ thống máy móc chắp vá, ít được sửa chữa nên không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Anh Nguyễn Hồng Sơn, ở xã Yên Đổ (Phú Lương) lo ngại: Loại xe này chở hàng cồng kềnh lại không có đèn hậu, gương, xi nhan nên rất khó quan sát các xe di chuyển đến từ phía sau dẫn đến tai nạn. Mỗi khi thấy xe tự chế tôi phải chạy chậm lại, tránh xa để an toàn.

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 tai nạn, va chạm liên đến các loại máy nông nghiệp tự chế. Cụ thể, vào ngày 6-5, tại đường liên xóm Khuân Lăng – Na Phảng, xã Yên Trạch (Phú Lương) xảy ra va chạm giữa xe máy nông nghiệp gắn thùng phía sau với xe mô tô đi ngược chiều. Vụ việc khiến một người ngồi sau xe bị thương nhẹ. Tiếp đó, ngày 24-5 tại đường liên xóm Làng Hoèn, xã Phúc Chu (Định Hóa) một xe mô tô đâm va với xe máy kéo nông nghiệp di chuyển ngược chiều khiến một người bị thương nặng, 2 phương tiện hư hỏng nhẹ. Ngày 28-5, tại km100+750 Quốc lộ 3, đoạn qua địa phận xã Yên Đổ, huyện Phú Lương cũng đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe mô tô với xe tự chế cùng chiều khiến 2 người bị thương và 1 xe mô tô hư hỏng.

Tai nạn giao thông giữa máy nông nghiệp tự chế với  một xe máy tại xã Phúc Chu (Định Hóa).

Quản lý – Khó nhưng vẫn có giải pháp

Trước thực trạng đáng lo ngại này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tăng cường quản lý các máy nông nghiệp tự chế. Từ ngày 19-5, lực lượng CSGT đã tập trung tuần tra kiểm soát chuyên đề xử lý xe máy kéo nông nghiệp tự chế tham gia giao thông. Qua đó đã phát hiện, lập biên bản xử lý 13 trường hợp vi phạm. Thiếu tá Chu Việt Oanh, Đội trưởng Đội CSGT (Công an huyện Phú Lương) thông tin: Trên địa bàn huyện hiện có gần 800 máy nông nghiệp tự chế. Nếu xử lý theo đúng quy định của pháp luật là tạm giữ, tịch thu phương tiện thì ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết không vi phạm luật. Nếu cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm.

Bãi tạm giữ máy nông nghiệp tự chế vi phạm tại Công an huyện Phú Lương.

Việc siết chặt quản lý các máy nông nghiệp tự chế tham gia giao thông là rất cần thiết, tuy nhiên công tác này đang gặp nhiều khó khăn. Đại úy Hoàng Phùng Hạnh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông đường bộ, Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Khó xác định được đây là xe máy kéo hay máy nông nghiệp. Nếu là máy kéo thì phải đăng ký, đăng kiểm còn máy nông nghiệp thì không. Hiện nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn công tác đăng ký, cấp biển số cho các xe máy kéo nhỏ; chưa có hướng dẫn cụ thể về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường máy kéo nhỏ tham gia giao thông đường bộ; không có biên lai nộp lệ phí trước bạ theo quy định của Bộ Tài chính khi đăng ký xe. Bên cạnh đó, việc đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe A4 đối với người điều khiển các loại xe máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1.000kg mất khá nhiều thời gian, kinh phí nên số lượng người đăng ký thấp.

Điểm b, Khoản 2, Điều 19, Nghị định 46 ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trái quy định tham gia giao thông.

Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, trước hết mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, sử dụng các loại máy kéo nông nghiệp đúng mục đích, không cơi nới thùng để vận chuyển hàng hóa. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần rà soát, thống kê số phương tiện hiện có để quản lý. Kiên quyết loại bỏ các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động; đồng thời tổ chức các lớp học, thi lấy bằng riêng cho các chủ phương tiện này. Về căn cơ cần ban hành bộ tiêu chuẩn phân loại xe máy kéo nhỏ, máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với máy kéo nhỏ tham gia giao thông đường bộ. Từ đó hướng dẫn công tác đăng ký, cấp biển số cho các phương tiện này.

Mục đích cuối cùng là nâng cao giá trị, hiệu suất công việc của người nông dân nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.