“Nóng” tình trạng tắc đường - Kỳ 2: Sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp

10:38, 16/10/2021

Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành phố có số lượng ô tô lớn của cả nước. Với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông như hiện nay, dự báo trong tương lai không xa, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ trở nên nghiêm trọng không kém những thành phố lớn. Vì vậy, việc triển khai, thực hiện sớm và đồng bộ các giải pháp chống ùn tắc đang là vấn đề đặt ra cho Thái Nguyên…

Kết hợp giữa tuyên truyền và xử lý vi phạm “mạnh tay”

Từ những phân tích, xác định các nhóm nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông ở kỳ trước, có thể hình dung phần nào nhiệm vụ mà Thái Nguyên phải làm trước mắt và lâu dài. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở thời điểm này là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, thông qua việc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân, đồng thời xử lý “mạnh tay” những vi phạm về ATGT. 

Về nội dung này, ông Tân Hoàng Long, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đã được chính quyền các cấp chú trọng. Chỉ tính trong 9 tháng qua, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung đông người bị hạn chế, nhưng lực lượng Cảnh sát giao thông đã tổ chức được 157 buổi tuyên truyền cho gần 3.500 cán bộ, công nhân viên, giáo viên và học sinh tham gia; tuyên truyền lưu động được 319 buổi, phát trên 18.000 tờ rơi, tổ chức cho trên 1.400 chủ phương tiện ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ. 

Cùng với đó, công tác kiểm tra, xử lý được xem là biện pháp mạnh để nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Với vai trò nòng cốt, lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm. Trong 9 tháng, đã lập biên bản trên 24.000 trường hợp, phạt hành chính hơn 23.700 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 23 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn trên 3.000 trường hợp, tạm giữ trên 550 xe ô tô, trên 3.500 xe mô tô và trên 40 phương tiện khác.

Tháng 10-2020, Đài PT-TH Thái Nguyên cũng đã thực hiện Chương trình trực tiếp Giờ cao điểm giao thông trên kênh FM 106,5 và nhóm chat cộng đồng Zalo 106,5 giao thông. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn có một chương trình mang tính chất định kỳ cố định 2 khung giờ trong ngày là: 6 giờ 45 phút đến 7 giờ 45 phút và 16 giờ 45 đến 20 giờ, theo hình thức tương tác trực tiếp với thính giả. Qua đây nhằm cung cấp thêm thông tin về tình hình lưu thông trên các tuyến đường trong thành phố, đặc biệt là những điểm ùn tắc để người tham gia giao thông chủ động lựa chọn cung đường thuận lợi, tránh đi vào những điểm đang xảy ra ùn tắc, giúp giảm lượng phương tiện lưu thông tại các “điểm nóng”.

Không thể phủ nhận, công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT. Tuy nhiên, dường như những nỗ lực của lực lượng chức năng vẫn chưa đủ sức “nặng”, tình trạng vi phạm ATGT vẫn còn nhiều. Theo ông Phạm Công Huấn, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh thì, để nâng cao hơn nữa ý thức của người tham gia giao thông, cần thêm sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp…Việc triển khai tuyên truyền về ATGT phải luôn đổi mới bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, hướng đến nhiều đối tượng. Trong đó, tăng cường tuyên truyền tại các khu công nghiệp, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đông dân cư, các cụm dân cư, nhất là những khu dân cư dọc tuyến quốc lộ...

Tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra tại ngã tư giao nhau giữa đường Hoàng Văn Thụ và đường Minh Cầu.

Ngoài ra, lực lượng công an, chính quyền các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các hội, đoàn thể để tuyên truyền… Tăng thời lượng tuyên truyền về ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các tin, bài, phóng sự nhằm truyền tải những thông điệp, kiến thức về Luật Giao thông đường bộ, qua đó nâng cao nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông.

Về phía người dân, mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, không lấn làn, chen ngang, tuân thủ tín hiệu đèn ở các nơi giao nhau, không sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe… hình thành thói quen ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Cùng với đó, vào các khung giờ cao điểm, Công an T.P Thái Nguyên cần tăng cường lực lượng trực tại các nút giao dễ xảy ra ùn tắc để  hướng dẫn người dân lưu thông, kịp thời xử lý các tình huống và kết hợp tuyên truyền cho người tham gia giao thông tại đây. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, dẫn đến ùn tắc giao thông…

Và những chiến lược dài hơi

Về lâu dài, để giải “bài toán” ùn tắc giao thông một cách hiệu quả đòi hỏi hạ tầng giao thông phải được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Thời gian gần đây, Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nhằm chống ùn tắc khi khởi công xây dựng nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc. Với tổng mức đầu tư trên 210 tỷ đồng, Dự án sẽ làm hầm chui thông theo hướng đường Thống Nhất cho các xe chạy thẳng theo 2 hướng quy mô 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, với chiều dài toàn tuyến gần 500m. Đây là khu vực cửa ngõ vào trung tâm T.P Thái Nguyên, gần bến xe, gần Siêu thị BigC-Go, lại giao cắt với đường Việt Bắc, nên lưu lượng xe qua lại thường xuyên đông, việc thiết kế nút giao khác cốt đường này sẽ tránh được nhữngluồng phương tiện xung đột, tránh ùn tắc.

Một trong những giải pháp chống ùn tắc nên được thực hiện là hệ thống giao thông của thành phố phải được quy hoạch cụ thể, phù hợp với tốc độ gia tăng phương tiện tham gia giao thông trong thời gian tới. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm những bất cập trong tổ chức giao thông ở một số điểm, nút giao thường xảy ra ùn tắc. Tùy vào lưu lượng xe và đặc điểm của từng nút giao mà điều chỉnh cho phù hợp như: Đối với những nút giao có lưu lượng xe lớn, có thể xây dựng thành nút giao khác mức, như đảo tròn Tân Long. Một số điểm giao cắt trong nội thành, cần bố trí thêm các đèn tín hiệu giao thông ở một số nút giao như: Đường đê Nông Lâm giao cắt với đường Dương Tự Minh; đường Bắc Sơn giao với đường Bắc Kạn…

Anh Trần Xuân Trường, ở phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Nếu có việc phải qua đảo tròn Đồng Quang vào cuối giờ chiều thì chỉ có thể đi với tốc độ “rùa”, không chỉ bởi lượng phương tiện đông, mà tôi thấy việc xây dựng một đảo tròn có đường kính rộng như vậy trong khi đã có đèn tín hiệu giao thông là rất bất hợp lý. Vì vậy cần phải thu hẹp đường kính hoặc bỏ hẳn đảo tròn chỉ để đèn tín hiệu giao thông.

Ngoài ra, T.P Thái Nguyên cần xem xét những đoạn có khả năng mở rộng tối đa mặt đường, nhằm tăng khả năng thông hành, tính toán mở rộng các nút giao, tổ chức giao thông hợp lý, hạn chế xung đột giao thông, thường xuyên theo dõi để điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông phù hợp với tình hình, bỏ các điểm dừng đón - trả khách, giải tán việc họp chợ, bày bán hàng trên vỉa hè gần các nút giao… Tất cả các giải pháp này cần được thực hiện sớm và đồng bộ để ngăn không để tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng và khó giải quyết hơn.

(Hết)