Trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ, chưa có khả năng tự bảo vệ và lường trước được những rủi ro có thể xảy ra, thế nên, việc tạo môi trường an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông là vô cùng yêu cầu quan trọng và bức thiết. Môi trường này phải được tạo nên từ ý thức, trách nhiệm, hành động của phụ huynh, nhà trường và cả cộng đồng.
Nói với con và với cộng đồng
Tháng cao điểm an toàn giao thông (ATGT) năm 2021 của tỉnh Thái Nguyên được xác định có chủ đề “ATGT cho trẻ tới trường”. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của cả xã hội nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), tạo môi trường an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông. Để thực hiện các nội dung của Tháng cao điểm, Ban ATGT đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhất là tại các trường học trên địa bàn.
Tính đến hết tháng 10-2021, Ban ATGT tỉnh tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT trên mạng Internet, thu hút trên 30 nghìn lượt người tham gia; phối hợp với Quỹ AIP, Quỹ UPS tập huấn tuyên truyền ATGT và trao tặng 2.900 mũ bảo hiểm xe máy đạt chuẩn cho học sinh các trường tiểu học… Lực lượng Công an cũng thường xuyên phối hợp tuyên truyền lưu động bằng loa phát thanh, sân khấu hoá tại trường học, tổ chức cho phụ huynh học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật khi tham gia giao thông.
Thầy giáo Ma Công Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS Lam Vỹ (Định Hóa): Trường THCS Lam Vỹ đã vận dụng giảng dạy các quy định liên quan đến trật tự ATGT vào tiết Giáo dục công dân và ngoại khóa. Đồng thời, Nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh chấp hành quy định về ATGT trong buổi chào cờ đầu tuần, tổ chức mô hình Cổng trường an toàn, giao cho các em sao đỏ nhắc nhở học sinh tại cổng trường. |
Cô giáo Lê Mỹ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Long (T.P Thái Nguyên) cho biết: Việc giáo dục Luật Giao thông đường bộ trong trường học rất cần thiết. Chúng tôi nhận thấy, các cháu học sinh càng được giáo dục từ sớm thì càng có ý thức tự giác và kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông.
Còn em Vy Khánh Linh, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Tân Thành 2 (T.P Thái Nguyên) vui vẻ: Em rất vui khi được tham gia Cuộc thi vẽ tranh về giao thông do Nhà trường tổ chức. Những điều cô chú Công an dạy, em tự giác thực hiện và nhắc nhở ông bà, bố mẹ chấp hành.
Để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các mô hình Cổng trường ATGT hoặc mô hình tự quản Cổng trường an toàn. Theo đó, lực lượng Công an, Đoàn Thanh niên và cùng với các nhà trường phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an ninh trật tự; tuyên truyền và hướng dẫn phụ huynh học sinh đỗ xe đúng vị trí quy định; không gây mất ATGT, không tụ tập đông người.
Anh Hoàng Quốc Khánh, phụ huynh một học sinh của Trường THCS Hoá Thượng (Đồng Hỷ) nói: Từ khi nhà trường thực hiện mô hình “Cổng trường ATGT” tôi nhận thấy tình trạng lộn xộn, ùn tắc vào giờ tan học giảm hẳn. Bản thân bố mẹ cũng tự ý thức trong lúc dừng, đỗ xe chờ đón con; các vi phạm về giao thông hầu như không còn.
Người lớn là tấm gương soi chiếu
Ông bà, cha mẹ luôn là tấm gương cho trẻ em noi theo ở mọi phương diện. Anh Hoàng Trọng Thảo, ở tổ dân phố Dộc Mấu, thị trấn Đu (Phú Lương) chia sẻ quan điểm: Bố mẹ phải là những người đầu tiên giáo dục con cái về ATGT trước khi giao trách nhiệm đó cho nhà trường và xã hội. Trẻ em cần được người lớn thường xuyên nhắc nhở, trang bị kiến thức cơ bản khi tham gia giao thông; nhận biết các tình huống nguy hiểm, gương mẫu khi chở theo con cái trên xe.
Nhân viên Honda moto Thái Nguyên hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Tân Thành 2 (T.P Thái Nguyên) cách ngồi trên xe an toàn.
Thực tế cho thấy, nếu người lớn chấp hành nghiêm quy định về trật tự ATGT và nhắc nhở con, cháu mình thì trẻ em sẽ có ý thức cao hơn khi tham gia giao thông, từ đó tránh được vi phạm, tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Do vậy, không chỉ học sinh, phụ huynh cũng cần được coi là đối tượng chính trong giáo dục ATGT. Nhiều ý kiến cho rằng, tại các buổi tuyên truyền, phụ huynh cũng nên cùng tham gia với con em mình; thông qua trao đổi, tương tác để hiểu hơn về các quy định; nắm rõ tâm lý, thói quen tham gia giao thông của trẻ nhỏ để nhắc nhở, làm gương cho trẻ nhỏ.
Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh): Theo tôi, việc giáo dục về trật tự ATGT cần được đưa vào trường học như một tiết học bắt buộc, có quy định cụ thể là bao nhiêu tiết một tháng, nhằm giúp nâng cao nhận thức cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. |
Thời gian qua, chính quyền địa phương, nhiều trường học đã triển khai việc ký cam kết chấp hành quy định về trật tự ATGT đến phụ huynh. Đây là cách làm hay cần được nhân rộng. Cùng với đó, các nhà trường cần phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là các tổ tự quản thực hiện kiểm tra, nhắc nhở tại khu vực cổng trường, các tuyến đường dẫn tới trường học.
Ngoài ra, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng vẫn giữ vai trò rất quan trọng. Qua các chiến dịch, đợt cao điểm về đảm bảo trật tự ATGT, hiệu quả không dừng lại ở số trường hợp, số tiền xử phạt và đích đến cuối cùng là nâng cao ý thức tự giác của người lớn, giáo dục trẻ nhỏ tham gia giao thông một cách an toàn.
Có thể khẳng định, bảo vệ trẻ em trước mối nguy về TNGT là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Không chỉ lực lượng chức năng, sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống giáo dục và gia đình, nhất là sự gương mẫu, trách nhiệm của người lớn khi tham gia giao thông sẽ là tiền đề tạo lập môi trường an toàn cho trẻ, giảm thiểu tối đa những nỗi đau do TNGT mang lại.
Ngày 15/10/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Về mục tiêu cụ thể, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bị tai nạn, thương tích từ 520/100.000 (0,52%) năm 2020 xuống còn 500/100.000 (0,5%) vào năm 2025. Giảm tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích từ 20/100.000 năm 2020 xuống còn 16/100.000 trẻ vào năm 2025. Hàng năm giảm 5-10% số trẻ em tử vong và bị thương do TNGT đường bộ. |