Theo các chuyên gia giao thông, nhu cầu sử dụng phương tiện của người dân T.P Thái Nguyên tăng nhanh, nhất là xe ô tô cá nhân, do đó tình trạng ùn tắc còn phức tạp. Bởi vậy, cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố nên đánh giá đúng bản chất, dự báo để có chiến lược phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó có việc đầu tư các công trình giao thông quy mô, hiện đại theo cả trục dọc và trục ngang của đô thị…
Trục dọc thứ 4
Về giải pháp ngắn hạn, T.P Thái Nguyên đã phê duyệt đầu tư gần 8 tỷ đồng để bổ sung và sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn ngay trong quý IV-2021. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, hỗ trợ vì một số cụm tín hiệu giao thông qua nhiều lượt đèn xanh nhưng phương tiện chưa thoát kịp, buộc lực lượng Cảnh sát giao thông phải trực tiếp phân luồng.
Công trình đường Việt Bắc giai đoạn 1 được đưa vào sử dụng đã cải thiện mỹ quan đô thị, giãn mật độ phương tiện giao thông ở các tuyến đường khác. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường của 2 phường: Quang Trung, Đồng Quang… đã được cải thiện đáng kể.
Thành phố đang tiếp tục thực hiện công trình đường Việt Bắc giai đoạn 2 để kết nối từ phường Tân Lập đến phường Trung Thành, khi hoàn thành sẽ giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông trên đường Cách mạng Tháng Tám và các tuyến đường trục khác.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia giao thông và người dân thì tỉnh, thành phố cần tiếp tục thi công đường Việt Bắc giai đoạn 3 để kết nối giao thông từ phường Quang Trung lên phường Quán Triều (song song với đường sắt) để giảm ùn tắc tại nút giao giữa đường Dương Tự Minh với đường Đê Nông Lâm...
Đường Việt Bắc kéo dài từ nút giao đường Phố Hương đến nút giao đường Ga Quán Triều khi hoàn thành sẽ tạo trục dọc thứ 4 (3 trục còn lại gồm: Đường Cách mạng Tháng Tám; Quốc lộ 3 cũ; cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội đoạn từ nút giao Tân Long đến nút giao Tân Lập), giảm mật độ phương tiện cho các trục đường khác.
Ông Nguyễn Văn Phong, tổ 13, phường Hương Sơn cho biết: Để giảm ùn tắc giao thông, T.P Thái Nguyên nên rà soát lại các nút giao trên địa bàn để sớm đầu tư, sửa chữa kịp thời hệ thống biển báo, cụm đèn tín hiệu giao thông; xây dựng các vòng xuyến giao thông, cầu vượt... Bởi lẽ hiện nay, nhiều nút giao đã xảy ra tình trạng ùn tắc do bị xung đột giao thông hoặc do không có hệ thống đèn báo hiệu giao thông. Thiếu cụm đèn tín hiệu giao thông nên mạnh ai nấy đi dẫn tới nhiều nút giao ách tắc, phương tiện tràn lên vỉa hè.
Kết nối đường vành đai
Ngoài đường Việt Bắc kéo dài, T.P Thái Nguyên đã triển khai thêm một số trục đường ngang mới là đường Bắc Sơn kéo dài 2 để kết vùng Đông - Tây, nhằm giảm mật độ phương tiện cho đường Quang Trung. Cùng đó là tiếp tục mở rộng đường Lê Hữu Trác đến đường gom từ T.P Sông Công lên nút giao Tân Lập. Tuyến đường này hoàn thành sẽ giúp người dân từ các phường, xã phía Tây đi phía Bắc thành phố thuận lợi hơn.
Để thi công Dự án nút giao khác cốt đường Việt Bắc - Thống Nhất, nhiều phương tiện giao thông phải đi qua đường tránh Việt Bắc, khiến khu vực này thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm.
Ông Trương Văn Phụng, nguyên Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Quy hoạch giao thông của T.P Thái Nguyên đã được thực hiện khá sớm và có sự đột phát, nhưng do việc thi công tác tuyến đường trục ngang, trục dọc còn chậm nên tình trạng ùn tắc diễn biến phức tạp. Đường Bắc Sơn kéo dài hoàn thành đưa vào sử dụng thì chắc chắn đường Hoàng Văn Thụ và đường Quang Trung sẽ giảm 30-40% số phương tiện, ùn tắc sẽ cơ bản được giải quyết. Nhưng để giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc, T.P Thái Nguyên nên đẩy nhanh tiến độ đường đô thị động lực, đường Bắc Nam kéo dài để kết nối với Quốc lộ 17. Tiếp đó là tuyến đường vành đai nối Quốc lộ 3 đoạn từ ngã ba Bờ Đậu sang Quốc lộ 17 đoạn cầu Linh Nham để giảm phương tiện đổ về nút giao Tân Long. Riêng đường gom 2 bên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên nên triển khai dọc từ T.P Thái Nguyên, qua T.P Sông Công đến T.X Phổ Yên để khai thác quỹ đất và chia mật độ phương tiện theo nhiều hướng khác nhau.
Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các huyện, thành, thị hoàn thành các tuyến đường cấp tỉnh có kết nối với T.P Thái Nguyên, như: Đường Quyết Thắng đi Phúc Hà kết nối với 2 xã An Khánh, Cù Vân (Đại Từ); đường từ xã Bình Sơn (T.P Sông Công) lên xã Thịnh Đức, đường từ xã Huống Thượng đi xã Bàn Đạt (Phú Bình)… Các tuyến vành đai này hoàn thành sẽ hạn chế phương tiện đi vào các tuyến đường nội thị của T.P Thái Nguyên, nhất là ô tô tải trọng lớn.
Cần thêm nhiều cầu qua sông
Việc cầu Gia Bẩy ngừng xe lưu thông để nâng cấp từ đầu tháng 10-2021 đã khiến phương tiện đổ dồn về hướng cầu Bến Tượng, gây ách tắc kéo dài từ khu vực chợ Thái đến đường tròn Trung tâm. Như vậy mới thấy tầm quan trọng của mỗi cây cầu qua sông Cầu.
Kiến trúc sư Đinh Văn Thể, Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Một số tuyến đường trục dọc, trục ngang của T.P Thái Nguyên chưa hoàn thiện khiến phương tiện giao thông phải đổ dồn vào đường Cách mạng Tháng Tám, đường Quang Trung, Quốc lộ 3 cũ dẫn đến ùn ứ giao thông. Để giải quyết việc này, ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ dự án đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc kèo dài bằng các phương án thi công tối ưu. |
Báo Thái Nguyên đã phản ánh, hiện đoạn sông Cầu chảy qua T.P Thái Nguyên đã có 6 cây cầu nhưng mới có 3 cầu cứng còn lại là 2 cầu treo, 1 cầu phao (cầu phao Ngọc Lâm xe tô tô không qua được vì rộng chưa tới 2m lại làm bằng vật liệu tre, gỗ).
Thiếu hệ thống cầu qua sông Cầu nên các tuyến đường trục Đông - Tây trong nội thị, đường tránh T.P Thái Nguyên đều bị hạn chế lưu thông, không phát huy tối đa công trình dẫn đến tình trạng phương tiện ách tắc vào giờ cao điểm khó giải quyết triệt để.
Theo các chuyên gia giao thông, việc xây dựng cầu qua sông Cầu nên được cơ quan chức năng của tỉnh và T.P Thái Nguyên bố trí ở khoảng cách 500m/cầu và mở kết nối mới để đảm bảo chiều rộng của đường. Khoảng cách giữa các cầu qua sông Cầu như trên sẽ rất thuận lợi cho việc qua lại của người dân sinh sống 2 bên bờ sông. Công tác quy hoạch, khai thác quỹ đất 2 bên bờ sông, cảnh quan của sông Cầu cũng sẽ tối ưu.
Việc xây dựng cầu tốn kém kinh phí nên dù chủ đầu tư là Nhà nước hay doanh nghiệp cũng không nên triển khai xây dựng các cầu qua sông Cầu cùng lúc vì khó khả thi (cầu Bến Tượng đầu tư gần 400 tỷ đồng; dự kiến xây dựng cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường dẫn cần tới số vốn gần 1.600 tỷ đồng), nên cơ quan chuyên môn cần cân nhắc, tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng lộ trình cụ thể, ưu tiên làm cầu trước ở những khu vực có mật độ giao thông cao; khu vực có tiềm năng phát triển để thu hút đầu tư...
(Hết)