Thời gian gần đây, dọc Quốc lộ 37, đoạn thuộc địa phận huyện Phú Bình, tình trạng người dân bày, bán hàng hóa sát lòng đường trở nên phổ biến hơn. Điều này không những làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đây.
Ngày nào cũng vậy, vào khoảng từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ, khi đi qua Quốc lộ 37 đoạn trước cổng Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, thuộc xã Kha Sơn và từ khu vực xóm Trại, xóm Soi 2, xã Nhã Lộng đến cổng Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT thuộc xã Điềm Thụy, người đi đường không khỏi ngán ngẩm trước tình trạng người dân dọc 2 bên đường bày bán hàng hóa tràn lan, có người đứng sát lòng đường. Các mặt hàng có đủ loại, từ rau, củ, quả, đồ nướng chín, bánh mỳ đến quần áo, giày dép… Người mua hàng phần lớn là công nhân làm việc tại các công ty, nhà máy ở các khu công nghiệp thuộc T.P Sông Công, T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình…
Trên thực tế, mặt đường Quốc lộ 37 vốn chật hẹp, nay lại thêm người và phương tiện dừng, đỗ để mua hàng khiến cho những đoạn đường này thường xuyên tắc nghẽn. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) ngao ngán: Ngày nào tôi cũng đi qua Quốc lộ 37 để về T.P Thái Nguyên. Vào giờ tan tầm buổi chiều, tôi phải đi thật chậm vì đường quá đông, các phương tiện dừng, đỗ bừa bãi. Thời gian đi đường vì thế tăng lên gấp đôi, có khi gấp ba lần. Trước đây, ở những đoạn đường này cũng có một vài quầy hàng nhưng họ thường bày bán ở sát cổng 2 công ty. Mấy tháng gần đây, có thêm nhiều người khác bán hàng ở khu vực này và lấn chiếm ra cả lòng, lề đường.
Ông Lương Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Kha Sơn nói: Trên địa bàn xã có điểm trước cổng Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, người dân thường xuyên tập trung thành “chợ cóc” bán hàng. Dù chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý những trường hợp vi phạm, tuy nhiên, cứ đến giờ công nhân tan làm, bà con lại mang hàng ra bán. Lực lượng của xã lại “mỏng” nên khi chúng tôi giải tỏa được chỗ này thì ở chỗ kia, bà con lại tái diễn.
Các xe bán hàng bị người dân đẩy ra sát lòng đường, gây cản trở cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trong ảnh: Người dân bán hàng dọc Quốc lộ 37, đoạn qua xóm Trại, xã Nhã Lộng.
Còn ông Lê Đăng Toàn, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng cho biết: Vào giờ tan tầm (từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút), chúng tôi chỉ đạo lực lượng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bà con không bán hàng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Tuy nhiên, khi có mặt lực lượng chức năng thì bà con chấp hành, khi lực lượng đi khỏi thì người dân lại bày hàng ra bán. Vì thế, chúng tôi cũng rất khó xử lý.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển TDT thông tin: Vào giờ tan tầm, gần 1.000 công nhân của Công ty đi ra phía cổng ở Quốc lộ 37 nên lưu lượng phương tiện rất đông. Việc người dân bày bán hàng trước cổng Công ty gây cản trở cho xe đưa, đón công nhân cũng như các phương tiện cá nhân. Chúng tôi đã yêu cầu bảo vệ nhắc nhở người dân không bán hàng trước cổng Công ty. Tuy nhiên, ngay sau khi bảo vệ quay vào, bà con lại bê hàng ra bày. Tôi mong chính quyền địa phương vào cuộc tích cực hơn nữa để chấn chỉnh tình trạng trên.
Các sạp hàng của người dân lấn ra sát Quốc lộ 37 và "quây" xe đưa đón công nhân của Công ty CP Đầu tư và phát triển TDT.
Thực tế cho thấy, hiện nay, việc xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông dọc Quốc lộ 37 phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, hoặc mạnh hơn nữa là xử phạt vi phạm hành chính, nhưng với số tiền rất ít (chỉ vài trăm nghìn đồng). Vì xử phạt chưa đủ mạnh, tình trạng tái lấn chiếm hành lang giao thông để bán hàng vẫn thường xuyên xảy ra.
Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, các cấp, ngành chức năng của huyện Phú Bình cần tích cực tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu về những ẩn họa khó lường khi bán hàng dọc Quốc lộ 37, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp xử lý vi phạm theo quy định… Từ đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.