“Ma men” lái mô tô, xe máy: Hậu quả khôn lường

10:46, 14/12/2021

Nhiều người có thói quen điều khiển xe máy ra nhà hàng, đi ăn cỗ… uống rượu,  bia xong lái về. Một thói quen như thể là điều quá bình thường trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là ở khu vực nông thôn vốn dĩ các loại phương tiện giao thông công cộng chưa có nhiều. Thói quen này là sự xem nhẹ nguy hiểm, liều lĩnh.

Nhiều vụ tai nạn đau lòng vì rượu bia

Có thể thấy, rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ bia, rượu. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém, nhiều người đã vô tình gieo những án “tử” cho những người tham gia giao thông khác và chính mình

Vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra mới đây tại chốt đóng của Khu công nghiệp Điềm Thụy đã cướp đi 3 sinh mạng. Khoảng 1 giờ 35 phút ngày 1-11, anh Hà Văn Đ. (23 tuổi, quê tại xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, Sơn La) điều khiển xe máy mang biển số 20M6-6xxx chở theo vợ sắp cưới là chị Vũ Thị N. (23 tuổi, trú xã Tân Linh, huyện Đại Từ, chị N. đang mang bầu tháng thứ 5) di chuyển theo đường nội bộ đến vị trí hàng rào chốt đóng của Khu công nghiệp Điềm Thụy, thuộc địa phận xóm Hắng, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, thì tông vào ống cống trên đường. Hậu quả là anh Đ. và chị N. tử vong.

Kết quả điều tra bước đầu xác định anh Đ. điều khiển xe máy khi trong máu có nồng độ cồn quá mức cho phép (230,95 mg/100 ml) và không chú ý quan sát, dẫn đến va chạm, tông xe vào ống cống bê tông.

Trước đó, hồi 19 giờ 10 phút ngày 31-8-2021, tại đoạn đường liên xã thuộc địa phận xóm Đồng Chúc, xã Tân Kim, huyện Phú Bình xảy ra vụ TNGT giữa xe mô tô BKS 20P1-0189 do anh Nguyễn Văn Hoành, sinh năm 1990, thường trú tại xóm Thòng Bong, xã Tân Kim, điều khiển và xe mô tô đi ngược chiều BKS 20P1-4993, do anh Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1983, ở xóm Diệm Dương, xã Nga My, điều khiể, chở chị Nguyễn Thị Huyền, sinh năm 1976, ở xóm Soi 1, xã Úc Kỳ. Hậu quả, 2 xe máy bị hư hỏng, chị Huyền bị thương.

Điều tra nguyên nhân xảy ra TNGT và kiểm tra nồng độ cồn đối với 2 người lái xe mô tô, lực lượng chức năng kết luận cả 2 người đều chưa đi đúng phần đường. Anh Nguyễn Văn Hoành đã điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu…

Từ đầu năm đến nay, qua tuần tra, kiểm soát, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Phú Bình đã phát hiện 83 trường hợp người điều khiển xe ô tô, mô tô vi phạm nồng độ cồn, trong đó có tới 70 trường hợp điều khiển xe máy sử dụng rượu bia, tổng số tiền xử phạt trên 360 triệu đồng.

Lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ bằng hình thức sân khấu hóa.

Theo Đại úy Nguyễn Xuân Khương, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Phú Bình: Lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiên quyết xử lý các vi phạm giao thông nói chung và vi phạm về nồng độ cồn nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định đã uống rượu bia không điều khiển xe tham gia giao thông. Tình trạng này phổ biến với những người đi xe máy.

Từ bỏ thói quen tiềm ẩn nhiều hệ luỵ

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, 11 tháng năm 2021 đã có 1.430 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị xử lý, với tổng số tiền xử phạt trên 7,3 tỷ đồng, trong đó người lái xe mô tô vi phạm chiếm trên 78% (1.120 trường hợp vi phạm).

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 ra đời đã nhanh chóng được triển khai, áp dụng sâu rộng vào cuộc sống. Đặc biệt là sự bổ sung, làm rõ hơn các hành vi vi phạm; nâng cao mức phạt đối với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ TNGT.

Trong đó, đáng chú ý là các quy định cụ thể đối với từng đối tượng như: Người chưa đủ 18 tuổi không được uống rượu, bia; sử dụng rượu, bia thì không được lái xe; cán bộ, công chức và người lao động không được uống rượu, bia trong giờ làm việc... Đặc biệt là việc tăng nặng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, áp dụng cho cả người điều khiển xe đạp, xe thô sơ...

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân vi phạm nồng độ cồn còn chưa hiệu quả do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến. Chén rượu được coi là một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống của người dân. Vẫn còn không ít người chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, còn xem nhẹ vấn đề an toàn liên quan đến sức khỏe, tính mạng của bạn thân cũng như của những người khác.

Nhiều người cho rằng vi phạm nồng độ cồn của tài xế xe máy nhiều hơn so với tài xế ôtô gần cả chục lần là điều hiển nhiên. Nhưng điều chúng ta nghĩ rằng là hiển nhiên đó là do chính sự dễ dãi mà ra, là do thói quen xấu và sự thỏa hiệp với thói quen xấu đó.

Sẽ không có chuyện là hiển nhiên một khi chúng ta nhận thức lại và chịu thay đổi thói quen xấu lái xe máy đi uống rượu, bia giống như cách người ta hay đi dạo bằng xe máy. Lượng xe máy lưu thông trên địa bàn tỉnh nhiều gấp gần chục lần lượng ôtô, chính vì thế nếu không thay đổi được thói quen lái xe máy đi ăn nhậu, tiệc tùng, thì những mối hiểm nguy rình rập, những nguy cơ tai TNGT gây thương vong cũng lớn hơn gấp nhiều lần.