Xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) góp phần tạo cơ sở vững chắc cho một nền giao thông văn minh, hiện đại, an toàn và thân thiện. Tuổi trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước hơn lúc nào hết cần tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện và xây dựng một xã hội an toàn giao thông (ATGT).
VHGT không chỉ được hiểu là chấp hành tốt luật giao thông, mà còn phải đấu tranh với những hành vi vi phạm an ATGT, hay những ứng xử như kiềm chế cảm xúc khi xảy ra tai nạn, sẵn sàng giúp đỡ người bị tai nạn giao thông... Trên thực tế vẫn có nhiều người có thái độ thờ ơ, coi chuyện không may của người khác “không phải chuyện của mình”. Thậm chí chỉ biết đứng nhìn một cách tò mò, hiếu kỳ, mà không nghĩ là phải quan tâm, cứu chữa người bị nạn.
Chị Vũ Kiều Oanh, ở phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) kể: Cách đây không lâu, khi đang đi trên đường, tôi bị một học sinh đâm vào phía sau xe. Cả tôi và em học sinh đó đều ngã ra đường. Cũng may là va quệt nhẹ nên cả 2 chỉ bị trầy xước ngoài da. Nhưng lạ một nỗi, mặc dù thấy tai nạn nhưng mọi người xung quanh vẫn thờ ơ, không mảy may có ý định giúp đỡ chúng tôi. Còn cô bé học sinh kia, thay vì xin lỗi tôi thì lại bắt đền, muốn tôi phải đi sửa xe cho cháu, thậm chí khóc lóc ăn vạ không cho tôi đi.
Trước hết, phải khẳng định, xây dựng VHGT là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với giới trẻ vì nó không chỉ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông một cách bền vững mà còn hình thành lối ứng xử có văn hóa, an toàn khi tham gia giao thông của những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thời gian qua, với phương châm “Mỗi bạn trẻ trở thành một đại sứ, một tuyên truyền viên” để thay đổi nếp nghĩ, thói quen bằng những việc làm đúng đắn, ý nghĩa, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động bảo đảm trật tự ATGT. Chị Nguyễn Mỹ Linh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên về ATGT; đồng thời vận động thanh niên thực hiện các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông qua tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, giao lưu về VHGT tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên báo, tạp chí, chương trình truyền thanh, truyền hình của Đoàn, Hội; tổ chức các cuộc thi ảnh, xây dựng tiểu phẩm về VHGT; tổ chức “Ngày hội thanh niên với VHGT” ở các cấp. Các cơ sở Đoàn đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông, xây dựng VHGT vào các kỳ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý, năm và trở thành tiêu chí xếp loại thi đua; hành vi vi phạm trật tự ATGT cũng được đưa vào đánh giá phân loại đoàn viên hàng năm. Cùng với đó, Tỉnh đoàn còn xây dựng các đội an ninh xung kích cùng với lực lượng Cảnh sát giao thông các cấp chốt ở ngã ba, ngã tư để cùng với lực lượng chức năng đảm bảo ATGT trên các trục đường.
Học sinh Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình) tham gia thực hành kỹ năng lái xe an toàn tại Ngày hội Thanh niên với VHGT do Tỉnh đoàn tổ chức.
Bên cạnh đó, để cụ thể hóa nội dung này, Tỉnh đoàn đã xây dựng Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự ATGT, giai đoạn 2018-2022”. Theo đó, từ khi triển khai đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức lồng ghép trên 1.500 hội thi giao lưu, diễn đàn, tọa đàm, tìm hiểu phát luật trật tự ATGT cho gần 200 nghìn lượt đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân tham gia; thành lập 128 đội, nhóm, câu lạc bộ pháp luật, xung kích ATGT; 100% cơ sở đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường bộ; thành lập mới và duy trì hoạt động mô hình “Cổng trường ATGT” tại 100% các trường tiểu học, THCS, THPT, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh… Trung bình mỗi năm, các huyện, thị, thành đoàn thường xuyên phối hợp với các nhà trường, cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự ATGT và kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh, sinh viên.
Đơn cử đầu năm học 2021-2022 vừa qua, mô hình “Cổng trường ATGT” tại Trường Tiểu học Tân Thành (T.P Thái Nguyên) do Đoàn phường Tân Thành phối hợp với lực lượng Công an, bảo vệ dân phố triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tình trạng nhiều phụ huynh dừng, đỗ xe ngay dưới lòng đường, trước cổng trường, đi ngược chiều, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè khi đưa đón con đi học, gây ách tắc cục bộ; mua đồ ăn sáng cho con ngay tại các quán vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19... đã không còn. Thay vào đó, những ô tô, xe máy được nhắc nhở xếp gọn gàng, đúng quy định, đảm bảo cho các phương tiện đi lại và đường cho học sinh đi bộ. Chị Phạm Thị Thanh, tổ 8, phường Tân Thành cho hay: Khi đưa, đón con đến trường chúng tôi đều được hướng dẫn đỗ xe đúng vị trí quy định, không gây mất ATGT, không tụ tập đông người.
Những giải pháp trên đã tạo được dư luận tốt, góp phần nâng cao ý thức của đoàn viên, thanh thiếu nhi cũng như người dân tham gia gia thông. Song, để đạt được mục tiêu xây dựng VHGT, ngoài trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, thì ý thức tự giác chấp hành pháp luật và hành vi ứng xử của mỗi người là yếu tố quan trọng, có tính quyết định. Vì vậy, kế hoạch của các cấp bộ Đoàn trong thời gian tới là tiếp tục linh hoạt, đổi mới phương thức tuyên truyền để thật sự tạo được tác động lâu dài đến mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi.