“Khó chồng khó” lên doanh nghiệp vận tải

08:47, 26/02/2022

Sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng “đói” khách do tâm lý e ngại của một bộ phận người dân khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Và từ 15 giờ ngày 21-2, giá xăng, dầu trong nước tăng mạnh, đánh dấu lần tăng giá thứ 5 liên tiếp từ đầu năm đến nay và cũng là mức giá đạt đỉnh trong hơn 7 năm trở lại đây khiến các DN vận tải càng thêm khó khăn…

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 500 đơn vị, DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách với hơn 3.000 đầu xe, 1.600 đơn vị vận tải hàng hóa với trên 3.500 xe đang hoạt động.

Kể từ khi công tác phòng, chống dịch COVID-19 chuyển sang thích ứng linh hoạt, hoạt động của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có vận tải đã được khơi thông trở lại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nên hoạt động vận tải vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng và cũng có một số DN phải tạm dừng hoạt động do nhu cầu đi lại liên tỉnh của người dân hiện nay vẫn rất thấp, trong khi đó, giá xăng, dầu lại tăng cao.

Ông Trịnh Văn Quyến, Phó Giám đốc Bến xe khách Trung tâm T.P Thái Nguyên, thông tin: Đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày tại Bến có khoảng 240 chuyến xuất bến, bằng 65% so với trước khi dịch bệnh bùng phát. Ngay cả khi đã xuất bến thì số lượng hành khách đi lại cũng rất hạn chế, khiến cho hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tuân, chủ nhà xe Tuân Sơn, chia sẻ: Mặc dù có ba đầu xe chạy tuyến Thái Nguyên - Thanh Hóa và ngược lại, nhưng trong suốt hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhà xe chỉ còn duy trì hoạt động một xe. Dù đã tiết giảm tối đa mọi chi phí để chống chọi với ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng những lần tăng giá xăng, dầu liên tiếp từ đầu năm đến nay khiến nhà xe “thu không đủ bù chi”. Xe tôi từ Thanh Hóa ra đến đây và quay về tổng chi phí hết khoảng 2,2 triệu đồng/chuyến, trong đó riêng tiền xăng, dầu là 1,5 triệu đồng. Để cầm cự và giữ tuyến thì DN buộc vẫn phải chạy xe, ngoài chở khách còn nhận chở hàng.

Còn ông Nguyễn Bùi Thái - nhà xe Đất Chè chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, cho biết, từ khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng linh hoạt trong tình hình mới đến nay, đơn vị đã nối lại việc chạy khách liên tỉnh, nhưng chuyến nào cao nhất được 3 khách và nhiều chuyến phải chạy rỗng. Trong khi đó, giá xăng liên tục tăng như vậy, DN càng chạy càng lỗ.

Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan đầu tư một loạt xe hạng sang chuẩn bị khởi động mùa du lịch năm nay.

Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan hiện có gần 300 đầu xe taxi, xe buýt và xe hợp đồng, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động. Từ sau Tết Nguyên đán, DN này cũng đang từng bước khôi phục hoạt động, tăng từ 30% số xe, số chuyến thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát lên gần 60% ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tăng chuyến trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và giá xăng, dầu liên tục tăng cao khiến DN chịu nhiều ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cho rằng giá xăng, dầu hiện phải chiếm đến 50% giá thành vận tải. Với mức tăng giá của xăng, dầu như thế này thì DN rất khó để tồn tại, vẫn phải “gồng mình” chi trả một số khoản chi phí định kỳ như: Lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí kiểm định và phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi…

Theo tính toán của các DN, giá nhiên liệu chiếm tỷ lệ từ 30-50% đơn giá vận chuyển nên việc nhiên liệu đầu vào tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải và giá cước vận tải.

Hiện các DN đang phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Tuy nhiên, việc này không dễ, bởi mỗi chuyến chỉ có vài khách.

Về vấn đề tăng giá cước, ông Trịnh Văn Quyến, Phó Giám đốc Bến xe Trung tâm T.P Thái Nguyên, khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, Bến xe chưa nhận được hồ sơ xin tăng giá của bất kỳ nhà xe nào.

Ông Dương Văn Luận, Công ty CP Vận tải Bắc Giang - đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Thái Nguyên - Bắc Giang, cho hay: Từ nhiều tháng nay, vận tải hành khách thua lỗ. DN đang nỗ lực giữ nguyên giá cước, nhưng nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng như hiện nay, chúng tôi buộc phải điều chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tuân, nhà xe Tuân Sơn, phân trần: Giá cước hành khách mấy năm nay được nhà xe giữ nguyên. Đợt này, giá xăng tăng cao kỷ lục, nhà xe cũng muốn tăng cước một chút nhưng khách đâu mà tăng, chưa nói đến việc cạnh tranh, rồi nhiều thủ tục đi kèm mới có thể tăng hoặc giảm giá.

Còn ông Lê Quang Lanh, Giám đốc Công ty MTV Mai Linh Thái Nguyên, cho rằng: Trước việc giá xăng, dầu tăng cao, các DN cần phải điều chỉnh để làm sao giữ được mạch vận tải thông suốt, phải thắt chặt chi phí chứ không thể tăng giá. Taxi Mai Linh Thái Nguyên cam kết: Giá xăng tăng cao nhưng giá cước taxi vẫn giữ nguyên.

Có thể nói, khôi phục lại hoạt động vận tải là giải pháp quan trọng để thúc đẩy và khôi phục nền kinh tế trước tác động nặng nề của dịch bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh “khó khăn kép”, cùng dự báo giá xăng, dầu còn có thể tiếp tục tăng cao, đây chắc chắn sẽ là bài toán khó không chỉ đối với DN, mà còn đối với cả các cơ quan quản lý nhà nước…