Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, hôm nay và ngày mai bạn sẽ quay lại thành phố bắt đầu công việc. Để có một hành trình suôn sẻ và tránh kẹt xe, bạn cần lưu ý những điều gì?
Bị kẹt xe, đừng quá tin vào Google Map
Anh Nguyễn Văn Tài (24 tuổi, nhân viên marketing làm việc tại Q.3, TP.HCM), thường di chuyển bằng xe máy từ Đắk Lắk vào TP.HCM sau những kỳ nghỉ lễ. Theo anh Tài, những đoạn đường thường xảy ra tình trạng kẹt xe nhiều nhất là ở những khu vực gần thành phố, nhất là Đồng Nai, Bình Dương và Quốc lộ 1A (đoạn thuộc TP.HCM)…
"Người trẻ đi xe máy từ quê trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ thường phải đối diện với dòng xe cộ lớn, ùn tắc diễn ra ở nhiều điểm, kéo dài ở nhiều nơi", anh Tài nói.
Vì thế, anh Tài cho rằng việc lên lịch trình hợp lý là cách để bạn trẻ tránh kẹt xe. Ngoài ra cần phải lưu ý các cung đường, thời tiết... Anh Tài cho hay thường chọn Quốc lộ 14 để chạy xe máy từ Đắk Lắk về TP.HCM bởi đường đẹp và rộng rãi.
“Điều đáng quan tâm nhất là các bạn trẻ khi gặp cảnh kẹt xe đừng nên tin quá vào Google Map để tìm lối đi khác. Vì nền tảng này có thể đưa ra chỉ dẫn hướng đến những con đường xấu, khá xa với hành trình hoặc có khi là ngõ cụt. Cách tốt nhất là đi cùng với người am hiểu đường sá hoặc hỏi người dân địa phương con đường khác để tránh kẹt xe”, anh Tài chia sẻ.
Dù không thường xuyên đi xe máy đường dài về quê nhưng Phạm Đức Trung, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, cũng thấm thía cảnh kẹt xe khi đi xe khách. Trung cho biết buổi chiều tối ngày học cuối trước nghỉ lễ, anh đã tranh thủ lên xe khách để về quê. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều sinh viên khác cũng tranh thủ về sớm như mình nên Trung cũng phải đợi rất lâu.
“Xe chạy vào cao tốc mà cũng phải nhích từng chút vì bị kẹt. Quảng đường về quê không xa nhưng thời gian lại đi rất lâu”, Trung chia sẻ.
Trung cho rằng, ngày trở lại thành phố, bạn trẻ nên đặt vé sớm, chọn giờ đi thích hợp, đừng chọn khung giờ nhiều người sẽ đi, tránh các giờ “đẹp” như buổi sáng sớm, buổi chiều mát. "Trước khi lên xe, các bạn nên đi vệ sinh, tránh uống nhiều nước, đề phòng tình huống xe không thể ngừng tại trạm dừng chân vì kẹt xe", nam sinh viên chia sẻ.
Cần biết thêm những cung đường
Theo kinh nghiệm của riêng mình, anh Nguyễn Văn Vinh (36 tuổi, tài xế thường xuyên chạy tuyến Tiền Giang - TP.HCM) cho biết hằng năm, dòng người từ các tỉnh miền Tây sẽ bắt đầu trở lại thành phố trong những ngày cuối của kỳ nghỉ lễ nên nhiều tuyến đường sẽ bị ách tắc giao thông.
Theo anh Vinh, cung đường từ Bến Tre đến TP.HCM thường có nhiều điểm đen ùn tắc như: cầu Rạch Miễu, Ngã Ba Trung Lương, cầu Bến Lức… "Đoạn cầu Rạch Miễu thường xảy ra ùn tắc giao thông sau dịp nghỉ lễ bởi nơi đây dễ phát sinh tai nạn. Bất cứ tai nạn va quẹt lớn nhỏ nào cũng đều dẫn đến ùn tắc phương tiện bất thình lình, không theo thời gian nào cả”, anh Vinh nói.
Từ đó, anh Vinh khuyên bạn trẻ khi trở lại thành phố cần xác định đúng thời gian, tránh giờ cao điểm, thường xuyên xem tin tức trên báo đài để phán đoán và chọn giờ khởi hành.
“Thông thường các bạn nên đi thật sớm, tức rạng sáng hoặc tối muộn. Giờ đó sẽ ít xe, ít người di chuyển nên việc chạy xe máy rất thuận tiện”, anh Vinh nói thêm.
Ngoài ra, hiện nay, không phải chỉ có một con đường từ miền Tây về TP.HCM. Trừ Quốc lộ 1A, bạn trẻ còn có nhiều con đường khác để lựa chọn như Quốc lộ 50 dành cho các bạn trẻ ở H.Chợ Gạo, Gò Công…, đường song hành với cao tốc dành cho các bạn muốn tránh Quốc lộ 1A, hoặc nhánh N2 nối từ Long An đến TP.HCM dành cho các bạn đi từ hướng H.Cái Bè, Cai Lậy…
“Cuối cùng là những bạn trẻ đi xe máy nên hạn chế chở đồ cồng kềnh vì rất dễ va quẹt. Chạy xe từ tốn, tuân thủ đúng tốc độ và luật giao thông; không nên lấn làn khi xảy ra ùn tắc bởi sẽ tạo thêm cảnh kẹt xe kéo dài hơn”, tài xế Vinh nói.