Cước vận tải nơi giảm, nơi không

Dương Hưng 09:04, 26/09/2022

Đợt tăng giá đạt đỉnh hơn 32 nghìn đồng/lít xăng, khoảng 24 nghìn đồng/lít dầu khiến cước vận tải hành khách, hàng hóa cũng tăng cao. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá xăng, dầu liên tục giảm (hiện ở mức khoảng 22 nghìn đồng/lít xăng, và hơn 22 nghìn đồng/lít dầu) nên nhiều doanh nghiệp vận tải đã giảm giá cước vận chuyển, nhất là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.

Khi giá xăng giảm, từ ngày 17-8, hãng taxi Bình An giảm giá cước.
Khi giá xăng giảm, từ ngày 17-8, hãng taxi Bình An giảm giá cước.

Ở thời điểm giá xăng, dầu lập đỉnh, hầu hết doanh nghiệp đều điều chỉnh tăng cước phí trung bình từ 10-15% để bù chi phí đầu vào. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, cho biết: Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến dịch vụ vận tải, sau dịch, giá xăng dầu tăng “phi mã” nên doanh nghiệp buộc phải tăng giá để bù chi phí đầu vào. Đối với xe hợp đồng, chúng tôi tăng, giảm giá cước theo giá xăng dầu lên hoặc xuống. Còn xe buýt, đơn vị đang tính toán các phương án để giám giá cước vào đầu tháng 10. Chúng tôi dự kiến giảm giá cước xe buýt 11%, các loại hình vận tải hành khách khác từ 5-7%.

Ông Đặng Hoàng Sơn, Trưởng Phòng kinh doanh, Công ty TNHH Dịch vụ Taxi Miền Bắc, cho biết: Taxi Bình An (thuộc Công ty) là đơn vị vận tải hành khách công cộng lớn trên địa bàn tỉnh với gần 500 đầu xe. Trong năm nay, sau 3 lần điều chỉnh tăng giá do giá xăng dầu tăng phi mã thì bắt đầu vào ngày 17-8, Công ty đã lần đầu giảm giá cước. Khi giá xăng tăng, doanh nghiệp thường xuyên phải bù lỗ và số lượng khách sử dụng dịch vụ giảm mạnh. Trong khi thủ tục để xin điều chỉnh tăng giá mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, việc giá xăng giảm trong những tháng gần đây đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, lượng khách cũng đều đặn hơn.

Cũng theo ông Sơn, Công ty đang có 2 loại xe là xe ngắn và xe dài. Đối với xe ngắn, giá 1km đầu tiên là 12.500 đồng/km (giảm 1.500 đồng so trước); từ 20km trở lên còn 11.500 đồng/km (giảm 500 đồng so với trước). Đối với xe dài, giá 1km đầu tiên còn 14.000 đồng/km (giảm 1.000 đồng); từ 20km trở lên là 12.500 đồng/km.

Còn ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Thái Nguyên, cho hay: Đơn vị có hơn 400 đầu xe, chủ yếu sử dụng nhiên liệu xăng nên từ giữa tháng 8, giá xăng giảm, chúng tôi đã giảm 10% cước dịch vụ vận chuyển để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và tăng tính cạnh tranh…

Từ ngày 22-8, cả 2 mặt hàng xăng và dầu đều giảm giá, lĩnh vực vận tải hành khách đã “dễ thở” hơn và người sử dụng dịch vụ cũng được hưởng lợi. Còn đối với hoạt động vận tải hàng hóa, dù giá dầu đã giảm nhưng vẫn ở mức cao nên giá cước vận chuyển gần như chưa giảm.

Ông Dương Quốc Hảo, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân vận tải Hảo Hương (TP. Thái Nguyên), cho biết: Hầu hết các xe chở hàng đều sử dụng nhiên liệu dầu, trong khi đó, từ tháng 6 đến nay giá dầu liên tục tăng, gần đây mới giảm 1 lần nhưng vẫn ở mức quá cao. Vì vậy, doanh nghiệp chưa cân nhắc giảm giá cước, thông thường giá xăng, dầu tăng hoặc giảm 3 lần thì doanh nghiệp điều chỉnh giá cước 1 lần.

Theo đại diện Hội Vận tải ô tô Thái Nguyên, trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách đã và đang tiến hành giảm giá cước vì xăng giảm mạnh, còn lại giá dầu vẫn cao nên các doanh nghiệp vận tải hàng hóa chưa thể giảm giá cước ngay.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 hãng taxi với hơn 4 nghìn đầu xe, gần 300 đầu xe buýt, hơn 700 xe hợp đồng. Còn đối với vận tải hàng hóa, hiện trên địa bàn có hơn 5.000 phương tiện và gần 500 xe somi romooc. Việc giá xăng, dầu tăng cao và nhiều biến động trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.