Tai nạn giao thông - không thể xem nhẹ

Nguyễn San 09:04, 08/01/2023

Trong năm 2022, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã giảm cả 3 tiêu chí so với năm trước. Tuy nhiên, con số 136 vụ tai nạn làm 39 người chết, 125 người bị thương, thiệt hại tài sản gần 3,3 tỷ đồng vẫn được xem là lớn. Mặc dù có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong năm qua trên địa bàn tỉnh không có vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhưng có 23 vụ va chạm làm 25 người bị thương; 57 vụ ít nghiêm trọng làm 77 người bị thương và có 56 vụ nghiêm trọng làm 39 người chết, 22 người bị thương.

Trong đó, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em xảy ra 24 vụ, không có người chết, bị thương 31 người. Đặc biệt, tai nạn giao thông chỉ xảy ra trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa không xảy ra vụ nào.

Lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông thường xuyên, liên tục nên số vụ tai nạn giao thông, nhất là vụ tai nạn nghiêm trọng mới giảm so với các năm trước.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm lực lượng này đã kiểm tra, phát hiện lập biên bản vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với gần 36 nghìn trường hợp xe khách, xe tải, xe con, xe mô tô và các phương tiện khác. Đã tước giấy phép lái xe trên 4 nghìn trường hợp, tạm giữ gần 700 xe ô tô, trên 5.900 xe mô tô các loại.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, chở hàng vượt quá tải, quá khổ, lấn phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm…

Còn theo báo cáo của Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải), lực lượng này đã kiểm tra trên 3.400 trường hợp; phát hiện, lập biên bản, ra quyết định xử phạt trên 400 trường hợp vi phạm; tước giấy phép lái xe 27 trường hợp, tước các loại giấy tờ khác 12 trường hợp, thu hồi giấy phép kinh doanh 1 trường hợp.

Để xảy ra tai nạn giao thông, ngoài ý thức của người tham gia giao thông chưa cao còn do yêu tố khách quan, chủ quan khác. Tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra rất phổ biến, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi do nhiều người còn thiếu hiểu biết.

Hệ thống văn bản pháp luật về an toàn giao thông còn có những quy định chồng chéo, đặc biệt là Luật Giao thông đường bộ còn bất hợp lý so với tình hình thực tế hiện nay.

Tình trạng chiếm dụng hành lang giao thông, lòng đường, hè phố làm nơi buôn bán, họp chợ còn tồn tại; vẫn còn xuất hiện nhiều xe công nông, xe đầu kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp không có đăng ký, người điều khiển không có giấy phép lưu thông trên đường…

Hiện nay, phương tiện giao thông đường bộ, nhất là xe mô tô, xe gắn máy ngày càng gia tăng, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, vấn đề tổ chức giao thông, cảnh báo giao thông, hệ thống báo hiệu còn tồn tại nhiều bất cập; thiếu điểm đỗ, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố; vi phạm lấn chiếm hành lang, lòng đường, hè phố còn phổ biến mà chưa được giải quyết triệt để...