Gập ghềnh đường liên huyện

Phan Trang 08:49, 14/07/2023

Con đường kết nối giữa xã Ôn Lương (Phú Lương), Phúc Lương (Đại Từ) và Bộc Nhiêu (Định Hóa) đóng vai trò quan trọng trong việc thông thương của người dân ở 3 địa phương, đặc biệt là những hộ sinh sống ở các xóm giáp ranh. Tuy nhiên, hiện đoạn đường này vẫn chưa được cứng hóa khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Mặt đường lầy lội, trơn trượt khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Mặt đường lầy lội, trơn trượt khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng, xóm Na Pặng, xã Ôn Lương, là một trong những hộ dân sinh sống sát đoạn đường. Hàng ngày, anh đều phải di chuyển qua tuyến đường này để sang Đại Từ, Định Hóa thu mua chè búp tươi, bán chè búp khô và giao bình gas.

Anh Hưởng cho biết: Trên mặt đường có vô số “ổ trâu”, “ổ gà”. Khi trời tạnh ráo, tôi còn có thể túc tắc đi được, khi trời mưa, mặt đường trơn trượt, lầy lội khiến việc di chuyển vất vả, mất an toàn. Vào những ngày trời mưa to, mực nước ở dòng suối ngay trước nhà dâng lên cao ngập cầu đi sang huyện Định Hóa và cả đoạn đường, khiến gia đình tôi bị cô lập.

Ông Nguyễn Văn Sơn, xóm Hợp Tiến, xã Bộc Nhiêu (Định Hóa), chia sẻ: Tôi thường xuyên phải sang xã Ôn Lương để chăm sóc, thu hái chè của gia đình. Do đường đi thẳng qua xã Ôn Lương còn khó khăn nên tôi phải di chuyển qua xóm Khuôn Thủng, Na Bán ở xã Phúc Lương để về Ôn Lương. Quãng đường này dài gấp đôi.

Tuyến đường nối xã Ôn Lương (Phú Lương), xã Phúc Lương (Đại Từ) và xã Bộc Nhiêu (Định Hóa) dài khoảng 700m, rộng trung bình 3m, chủ yếu là nền đất. Trên tuyến đường này có 1 cầu tạm dài 6m, rộng 2m do nhân dân dựng bằng các tấm bê tông xi măng gác trên các thanh sắt lớn. Sau nhiều năm sử dụng, cầu đã xuống cấp, một số tấm bê tông bị nứt vỡ.

Người dân 3 địa phương thường xuyên phải đi qua cầu tạm trên tuyến đường để giao thương.
Người dân 3 địa phương thường xuyên phải đi qua cầu tạm trên tuyến đường để giao thương.

Tuyến đường chưa được cứng hóa không chỉ khiến việc đi lại, giao thương của người dân gặp khó khăn mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Do đó, nhiều năm nay, trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân ở khu vực này liên tục kiến nghị các cấp chính quyền sớm cứng hóa tuyến đường.

Chúng tôi được biết, từ năm 2019, huyện Phú Lương đã phối hợp với UBND huyện Đại Từ, Định Hóa cùng các sở, ban ngành của tỉnh tham mưu UBND tỉnh bổ sung danh mục cầu dân sinh vào Chương trình xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh, trong đó có cầu ở xóm Na Pặng, xã Ôn Lương.

Đến năm 2020, HĐND huyện Phú Lương thông qua Nghị quyết về chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó có đề xuất dự án "Xây dựng đường bê tông, cầu dân sinh xã Ôn Lương, huyện Phú Lương đi xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa và xã Phúc Lương, huyện Đại Từ" với tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn nên đến nay Dự án vẫn chưa được triển khai.

Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, cho biết: Nguồn vốn cần để thi công tuyến đường này khá lớn, trong khi ngân sách của địa phương hạn hẹp. Chính vì vậy, huyện đã có tờ trình đề nghị Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để triển khai Dự án này…