Mặt cầu chật hẹp, xuống cấp, nhiều vị trí bị đứt gãy, đe dọa sự an toàn của người và phương tiện khi lưu thông… là thực trạng người dân phản ánh về cầu treo Đát Ma, nối xóm Cẩm 2, xã Phục Linh (Đại Từ) với tổ dân phố Giang Long, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương).
Các miếng vá mặt cầu cũng đã bị nứt gãy. |
Cùng đi với người dân dọc cầu, chúng tôi cảm nhận rõ sự nguy hiểm của cây cầu treo đang xuống cấp bắc qua dòng sông Đu chảy xiết. Nhiều người từ địa phương khác lần đầu đến đây đã không dám qua cầu.
Theo thiết kế, cầu có tổng chiều dài 60m, rộng trên 2m, chịu tải trọng 2,5 tấn (tải trọng của cầu giảm xuống còn 1,5 tấn sau khi bàn giao cho địa phương), mặt cầu được cấu tạo từ những tấm sắt có lỗ nhằm thoát nước.
Hiện nhiều vị trí trên mặt cầu đã bị đứt gãy kết cấu, có chỗ tạo thành lỗ thủng lớn. Đây cũng là lý do mà mặt cầu chằng chịt những miếng vá bằng thép mỏng. Cho đến thời điểm hiện tại, mặt cầu vẫn đang bị đứt gãy ở nhiều vị trí, chưa được xử lý. Toàn bộ cây cầu cũng đã bị han gỉ.
Bà Nguyễn Thị Tin, người dân ở xóm Cẩm 2, kể lại: Đã có nhiều ô tô khi qua cầu bị vết rách của mặt cầu cứa thủng lốp, học sinh đi bộ qua cầu cũng bị mắc dép vào các lỗ thủng. Giữa tháng 8 vừa qua, xe ô tô của gia đình tôi cũng bị một vết cắt lớn ngang lốp sau khi đi qua cầu Đát Ma. Mong mỏi được đầu tư xây dựng một cây cầu cứng bắc qua sông để người dân thuận tiện qua lại, các cháu yên tâm đến trường là nguyện vọng chung của bà con nơi đây…
Theo người dân địa phương kể lại, cây cầu Đát Ma bắc qua sông Đu đã có từ thời Pháp thuộc. Sau khi cầu bị phá hủy bởi bom đạn, người dân đã dùng tre nứa làm lại cầu. Năm 2006, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 2 Thái Nguyên đầu tư xây dựng cầu treo hiện tại theo hình thức BOT, thu phí qua cầu để thu hồi vốn cho tới đầu năm 2021 thì dừng lại; bàn giao cho huyện Phú Lương quản lý.
Lượng người, phương tiện qua lại nhiều khiến cầu Đát Ma ngày càng xuống cấp. |
Cũng từ đó, lưu lượng người, phương tiện qua cầu ngày một tăng, có cả một số xe trọng tải lớn. Cầu vốn đã yếu nay lại phải “oằn mình” gánh sức nặng của nhiều loại phương tiện nên càng hư hại nhanh chóng.
Bởi cầu hẹp nên việc lưu thông qua cầu cũng khá khó khăn. Trường hợp gặp người chở hàng hóa cồng kềnh, hay có xe ô tô lớn qua cầu, mọi người phải dừng lại ở một bên cầu để chờ.
Ông Lưu Xuân Lộc, Bí thư Chi bộ xóm Cẩm 2, thông tin: Cây cầu kết nối 2 huyện và do huyện Phú Lương quản lý, nhưng phần lớn người dân, phương tiện qua cầu là từ Đại Từ sang thị trấn Giang Tiên để làm ăn, mua bán, trẻ nhỏ của nhiều gia đình cũng học tại trường bên đó. Từ bên Giang Tiên sang đây chủ yếu là công nhân của Mỏ than Phấn Mễ. Nhu cầu đi lại lớn, cầu xuống cấp khiến người dân bất an. Chúng tôi đã kiến nghị thực trạng này lên cấp trên, nhiều đoàn kiểm tra, giám sát cũng đã về tìm hiểu, đánh giá, song vẫn chưa có thay đổi gì tích cực.
Ông Tống Duy Kiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), cho biết: Thị trấn đã nhiều lần làm việc với Mỏ than Phấn Mễ và đề nghị hỗ trợ nhân lực, vật liệu để vá các lỗ thủng, song đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vừa qua, Đoàn kiểm tra của huyện Phú Lương đã đi kiểm tra trực tiếp tại cầu Đát Ma; chỉ đạo xây dựng phương án đầu tư sửa chữa. Trước mắt, chúng tôi sẽ thực hiện ngay việc cắm biển cảnh báo “Cầu yếu, ô tô không đi qua cầu” để hạn chế phương tiện qua lại.
Nguyện vọng có một cây cầu đảm bảo an toàn của chính quyền và người dân khu vực cầu treo Đát Ma là hoàn toàn chính đáng. Hơn nữa, cây cầu còn có vai trò rất lớn trong việc kết nối, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội hai huyện: Đại Từ và Phú Lương. Trước tình trạng xuống cấp của cây cầu như hiện nay, các cấp, ngành chức năng cần có sự quan tâm đúng mức, sớm bố trí kinh phí đầu tư, sửa chữa để tránh tai nạn đáng tiếc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin