Hiện ở nhiều tuyến phố, khu đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đang diễn ra tình trạng các hộ dân sinh sống tại mặt tiền ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, tự ý đặt biển cấm dừng, đỗ xe để ngăn cản các phương tiện khác dừng, đỗ dưới lòng đường, trước cửa nhà.
Biển cấm đỗ xe đặt trên vỉa hè và lề đường trước khu nhà TT4, Khu đô thị thành phố giao lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). |
Với cách làm này, nhiều chủ nhà đã tự ý biến vỉa hè, lòng đường trước nhà thành “của riêng” khiến nhiều người bức xúc. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc xử lý nghiêm hành vi vi phạm này.
Đường chung đâu phải “của riêng”
Tại rất nhiều tuyến đường, ngõ phố, khu đô thị… người dân tự đặt biển cấm dừng, đỗ xe trước cửa nhà. Ngay tại ngã ba Nguyễn Hữu Huân - Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm), một biển cấm ô tô được người dân đặt ngay dưới lòng đường, cách vỉa hè khoảng 1m. Cách đó không xa, trước cổng trụ sở Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, 2 biển báo cấm đỗ xe với màu sắc, hình dáng, kích cỡ khác nhau được dựng ngay trên vỉa hè, án ngữ hai bên cổng ra vào.
Tại quận Cầu Giấy, trên tuyến đường Hoàng Quốc Việt, nhiều cửa hàng, tòa nhà văn phòng tự ý đặt ra quy định cấm đỗ xe ngay trên vỉa hè và cả dưới lòng đường. Còn ở khu nhà ngõ 40 đường Xuân La (quận Tây Hồ), các biển báo cấm dừng, đỗ xe trước cửa nhà được dán, đóng đinh chi chít trên các gốc cây, rất thiếu thẩm mỹ.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Khu đô thị thành phố giao lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). Đặc điểm chung là các biển cấm tại đây đều được đặt trong các vỏ thùng đựng sơn và được cố định bằng cách đổ xi măng để thêm phần chắc chắn... Gần khu nhà TT4, toàn bộ vỉa hè và lề đường phía trước cơ sở Mầm non Học viện mặt trời được đặt chi chít những biển cấm đỗ xe.
Đáng nói, tuy cấm các phương tiện đỗ xe, nhưng chính cơ sở mầm non này lại chiếm dụng toàn bộ vỉa hè để dựng cả chục chiếc xe máy, không còn chỗ cho người đi bộ. Trên tuyến đường số 2 của khu đô thị, hàng loạt biển báo cấm đỗ xe được giăng ra tại mặt tiền các căn biệt thự. Trước cửa nhà số 95 TT2, chủ nhà cho đặt 2 biển “cấm đỗ ô tô” ngay dưới lề đường; còn chủ nhà số 57 thì đặt hẳn 2 tấm biển với dòng chữ: “Không đỗ xe - cửa ra vào nhà 57”.
Cần sớm có chế tài xử phạt
Trước tình trạng người dân tự ý đặt biển cấm dừng, đỗ phương tiện trước cửa nhà đang “nở rộ” tại Khu đô thị thành phố giao lưu, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) Nguyễn Mạnh Cường cho biết, ngay sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân không tự ý treo, đặt các biển cấm đỗ ô tô trước cửa nhà, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
“UBND phường cũng đã yêu cầu chủ đầu tư, tổ trưởng tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân không để các biển cấm trước cửa nhà. Do chưa có chế tài xử lý nên phường chỉ tiến hành thu giữ vật dụng, biển bảng trong các đợt tuần tra, kiểm soát về trật tự đô thị chứ chưa xử phạt hành chính trường hợp nào”, ông Cường lý giải.
Còn theo Thiếu tá Nguyễn Hoàng Hải, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trong quá trình tuần tra, kiểm soát, đội thường xuyên nhắc nhở người dân không tự ý đặt vật cản cũng như lắp biển cấm dừng, đỗ trước cửa nhà. Gần đây nhất, trong quá trình phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực cổng Trường Trung học cơ sở Ngô Sỹ Liên, đội đã nhắc nhở một chủ cửa hàng quần áo không được đặt những tấm biển “cảnh báo giao thông” dưới lòng đường và trước cửa nhà.
Về vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khai thác ô tô Ngọc Quang Triệu Ngọc Quang cho rằng, người dân tự ý chăng dây, đặt các “biển cấm” dừng đỗ trước cửa nhà là thể hiện sự ích kỷ với cộng đồng và coi thường pháp luật. Việc họ tự cho mình “quyền” được mở rộng phạm vi sở hữu, bao gồm cả vỉa hè và lòng đường trước cửa nhà cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc cãi cọ khi chủ phương tiện vô tình đỗ xe tại khu vực chủ nhà đặt “biển cấm”…
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp cho biết, theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 37 Luật Giao thông đường bộ: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý”. Như vậy, chỉ có chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền hạn quy định các đoạn đường cấm phương tiện dừng, đỗ trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Những biển báo “cấm đỗ xe” do người dân tự đặt đều không có ý nghĩa về pháp luật và người tham gia giao thông không có trách nhiệm phải tuân thủ.
Rõ ràng, việc người dân đặt các “biển cấm” tự phát không chỉ là hành vi thiếu văn minh, mà còn không có ý nghĩa về pháp luật. Đề nghị chính quyền địa phương và lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền và tháo dỡ, tịch thu ngay các “biển cấm” tự phát nêu trên. Mặt khác, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, đưa ra chế tài xử phạt đối với các trường hợp tự ý đặt biển báo giao thông nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia giao thông, góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông và cảnh quan đô thị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin