Kết quả kiểm tra dữ liệu vi phạm tốc độ được khai thác từ thiết bị giám sát hành trình do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cung cấp mới đây đã gây “sốc” dư luận: Có một xe đầu kéo đã vi phạm tốc độ trên 1.000 lần/tháng, trung bình mỗi ngày xe này vi phạm 34 lần.
Ảnh minh họa. |
Riêng tháng 12-2023, địa bàn Thủ đô có trên 1.100 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km xe chạy. Nếu thống kê cả nước, con số vi phạm tốc độ sẽ lớn đến mức nào. Điều này cho thấy, vấn đề vi phạm tốc độ giao thông hiện nay vẫn chưa hết “nóng”.
Tiếp tục với con số thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong tháng 12-2023, một số phương tiện vận tải khác có số lần vi phạm cao là xe tải của HTX Dịch vụ vận tải T.H vi phạm tốc độ tới 976 lần; xe đầu kéo cũng của HTX này vi phạm trên 900 lần; xe hợp đồng của Công ty CP I.B.L vi phạm trên 800 lần; xe container của HTX Dịch vụ vận tải X.Đ.N vi phạm trên 840 lần… Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang cho các đơn vị vi phạm kiểm tra lại kết quả khai thác dữ liệu sau đó mới tiến hành xử lý.
Còn tại Thái Nguyên, trong năm 2023, thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở trên 4.000 lượt đơn vị và gần 10.000 lượt phương tiện vi phạm tốc độ, thu hồi phù hiệu của gần 70 phương tiện kinh doanh vận tải. Đồng thời xử lý vi phạm hành chính 6 đơn vị kinh doanh vận tải với tổng số tiền xử phạt trên 80 triệu đồng.
Cũng trong năm 2023, Sở đã đình chỉ khai thác tuyến cố định vận tải hành khách của 51 phương tiện và phối hợp với các địa phương khác xử lý vi phạm trên 140 phương tiện vận tải ngoại tỉnh.
Đầu tháng 1-2024, Sở Giáo thông Vận tải tiếp tục kiểm tra, thu hồi phù hiệu của 20 phương tiện kinh doanh vận tải khác. Các trường hợp vi phạm trên, trong 1 tháng đã có lỗi vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km xe chạy trở lên và chủ yếu là xe vận tải hàng hóa (xe đầu kéo, xe tải), còn lại là xe vận tải hành khách.
Theo đánh giá chuyên môn, việc kiểm tra, giám sát và tiến hành thông báo, xử lý vi phạm tốc độ thông qua thiết bị giám sát hành trình của cơ quan chức năng Thái Nguyên thời gian qua rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng như người tham gia giao thông kiến nghị cần phải rà soát, công bố công khai, minh bạch lỗi vi phạm của tất cả các phương tiện để đảm bảo tính công bằng. Đồng thời xử lý nghiêm, có tình tiết tăng nặng, đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc cố tình tái phạm khi đã bị xử lý.
Mặt khác, cơ quan chức năng cần giám sát chặt việc bắt buộc các phương tiện vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera ghi hình buồng lái và truyền dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý nhà nước.
Mặc dù biết thông qua hệ thống giám sát hiện đại có thể tổng hợp báo cáo, đề xuất các lỗi vi phạm phục vụ xử lý, song tần suất vi phạm về tốc độ quá nhiều như hiện nay đòi hỏi phải có chế tài đủ mạnh, biện pháp quyết liệt hơn nữa mới có thể quản lý và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin