Những năm qua, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Thái Nguyên luôn bám sát phương châm hành động “Giao thông vững bước, đất nước phồn vinh” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Từ đó, toàn Ngành nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải kiểm tra việc triển khai Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc. |
Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành GTVT đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm, quan trọng trên địa bàn, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngành xác định rõ những ưu tiên trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo phương châm “đi trước một bước” với tốc độ nhanh, bền vững, chất lượng, nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực.
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, Ngành chú trọng xây dựng kế hoạch và tham mưu triển khai thực hiện các dự án giao thông được xác định trong Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 23/11/2020 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Cùng với đó là ưu tiên nguồn lực, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh. Thái Nguyên đã nhanh chóng hợp tác với các địa phương lân cận để thúc đẩy giao thông kết nối, tạo thêm không gian phát triển và tối ưu hóa công tác vận tải hàng hóa đi các tỉnh lân cận, trong đó có Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang.
Dấu ấn nổi bật của ngành GTVT tỉnh trong thời gian qua là đã chủ động, tích cực tham mưu đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối trên địa bàn tỉnh, gồm các tuyến: Đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc (tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng); đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội qua khu vực tỉnh Thái Nguyên, đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang (tổng mức đầu tư 699 tỷ đồng); đầu tư xây dựng tuyến đường nối đường tỉnh (ĐT) 261 với ĐT 266 (392 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 Quốc lộ 3 đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (302 tỷ đồng); đường Vành đai I Bờ Đậu, Phú Lương - Hóa Thượng, Đồng Hỷ và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, Đồng Hỷ (972 tỷ đồng); đường kết nối ĐT 265 Bình Long, Võ Nhai đi Bắc Giang (291 tỷ đồng)…
Với sự quan tâm đầu tư trên, mạng lưới giao thông Thái Nguyên ngày càng hoàn thiện, trải rộng và kết nối khá tốt các địa phương trong tỉnh cũng như liên vùng. Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có 11.506km đường bộ, trong đó có 8 tuyến quốc lộ qua địa bàn với chiều dài 328km; 21 tuyến đường tỉnh dài 384km; 159km đường đô thị; 742km đường huyện; 3.232km đường xã; trên 6.600km đường dân sinh cấp thấp khác...
Trong giai đoạn 2021-2025, ngành GTVT tỉnh tiếp tục triển khai và phấn đấu hoàn thành 21 dự án. Trong đó có 9 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 và 12 dự án đầu tư mới. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho các dự án là trên 8.204 tỷ đồng. Năng lực tăng thêm cả giai đoạn là 160,64km.
Hiện nay, chủ đầu tư các dự án giao thông đang nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa”, với quyết tâm cao nhất đưa các công trình vào sử dụng đúng tiến độ hợp đồng, tạo sức lan tỏa, sự liên kết, kết nối vùng, kết nối các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ…
Trong lĩnh vực vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định với 351 xe; 29 đơn vị vận tải taxi với trên 1.500 xe; 5 đơn vị vận tải khai thác 11 tuyến xe buýt với 155 xe; trên 600 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch với trên 800 xe; trên 1.700 đơn vị vận tải hàng hóa với trên 3.700 xe được Sở GTVT cấp giấy phép và phù hiệu kinh doanh vận tải. Với lực lượng phương tiện ngày càng gia tăng, công tác vận tải đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân và doanh nghiệp.
Dọc hai bên đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn TP. Phổ Yên, nhiều khu đô thị, khu dân cư đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng. Ảnh: D.H |
Những năm qua, Sở GTVT đã phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành rà soát các quy hoạch, kế hoạch, tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển dịch vụ logistics. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics, nhất là trong khu kinh tế, khu công nghiệp; cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử.
Về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được quan tâm nâng cao chất lượng. 10 cơ sở đào tạo nghề lái xe mô tô, ô tô, 12 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Hoạt động đăng kiểm xe cơ giới được duy trì ổn định, không xảy ra tình trạng ùn ứ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 trung tâm đăng kiểm với 13 dây chuyền kiểm định (năng lực kiểm định tối đa từ 260-270 nghìn lượt /năm). Riêng địa bàn TP. Thái Nguyên có 6 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới với 9 dây chuyền kiểm định, đáp ứng khoảng 180.000 lượt kiểm định/năm…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Câu nói giản dị của Bác không chỉ nhấn mạnh vai trò quan trọng của GTVT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở nhiệm vụ đối với những người làm công tác GTVT trong quá khứ, hiện tại và tương lai sau này.
79 năm song hành cùng sự phát triển của đất nước, với khát vọng toàn dân tộc về “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, ngành GTVT đã luôn nêu cao tinh thần đi trước mở đường, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước, mỗi bước đi và phát triển của Ngành thêm “vững bước” để góp phần xây dựng “đất nước phồn vinh” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin