Kết nối hạ tầng giao thông thúc đẩy thu hút đầu tư

Minh Phương 08:32, 04/09/2024

TP. Sông Công thuộc vùng kinh tế công nghiệp trọng điểm phía Nam của tỉnh. Những năm qua, thành phố luôn chú trọng đầu tư quy hoạch, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, mở rộng liên kết với các vùng lân cận. Qua đó đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, góp phần mở rộng không gian đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển... 

Tuyến đường nối Quốc lộ 3 với Khu công nghiệp Sông Công II góp phần tạo dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại và hoàn chỉnh trên địa bàn TP. Sông Công.
Tuyến đường nối Quốc lộ 3 với Khu công nghiệp Sông Công II góp phần tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại và hoàn chỉnh trên địa bàn TP. Sông Công.

Định hình mạng lưới giao thông xương sống

Giai đoạn 2021-2025, TP. Sông Công đã và đang triển khai trên 10 dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, với tổng số vốn trên 1.100 tỷ đồng. Trong đó, thành phố tập trung triển khai các dự án duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp và xây mới đường giao thông ngoại thị, nội thị.

Một trong những công trình giao thông trọng điểm được triển khai trên địa bàn TP. Sông Công thời gian qua là Dự án đường Thắng Lợi kéo dài. Tuyến đường này được mở mới có chiều dài 2,4km, mặt đường rộng 30m, với tổng mức đầu tư trên 340 tỷ đồng. Hiện nay, tuyến đường đã được đưa vào sử dụng và phát huy tốt công năng phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, kết nối liên hoàn hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố với Quốc lộ 3.

Tương tự, Dự án đường du lịch sông Công - núi Cốc (kinh phí đầu tư trên 320 tỷ đồng) cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục: Cầu bắc qua sông Công dài gần 110m; tuyến đường dài 1,8km, bề rộng nền đường là 34,5m... Được khởi công từ tháng 10-2022, đến nay tiến độ thi công tuyến đường đạt khoảng 45% khối lượng.

Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025 và trở thành tuyến đường huyết mạch kết nối TP. Sông Công với Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc và các khu vực lân cận, góp phần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị để mở rộng không gian đô thị về phía Tây Bắc.

Cùng với đó, các tuyến đường nội thị cũng được đầu tư, nâng cấp như: Mở rộng tuyến phố Nguyễn Khuyến; đường Cách mạng Tháng 10 (làn phía Bắc); đường Cách mạng Tháng Tám nối với ĐT262; tuyến đường trục Lương Sơn; đường đô thị dọc sông Công…

Ngoài ra, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn tại các xã, phường. Trong giai đoạn 2021-2023, Sông Công đã hỗ trợ đầu tư xây dựng và sửa chữa nâng cấp trên 60km đường giao thông trục chính, liên xóm, tổ dân phố các xã, phường.

Nhờ triển khai linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, cơ chế chính sách nên hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Sông Công có những thay đổi rõ rệt và ngày càng hoàn thiện. Thành phố hiện có trên 300km đường đô thị, trong đó 100% đường phố chính, đường phố cấp khu vực được chiếu sáng; trên 300km đường nông thôn được cứng hóa, trong đó 70% đường ngõ, xóm được chiếu sáng, đáp ứng nhu cầu đi lại an toàn, thuận tiện của người dân.

Tạo động lực thu hút đầu tư

Với vị trí thuận lợi, có nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm chạy qua, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại đã giúp TP. Sông Công có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư.

Từ một địa phương chỉ có một cụm công nghiệp (CCN) Gò Đầm với 3 doanh nghiệp đầu tiên, đến nay, TP. Sông Công được quy hoạch 2 khu công nghiệp (KCN) tập trung với diện tích khoảng 745ha. Trong đó, KCN Sông Công I (195ha) thu hút 24 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 61,5 triệu USD và 73 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 7.284 tỷ đồng. KCN Sông Công II (diện tích 250ha) hiện có 13 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD và 9 dự án DDI với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng.

Tuyến đường du lịch Sông Công - Núi Cốc đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đến nay đạt khoảng 45% khối lượng.
Tuyến đường du lịch sông Công - núi Cốc đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đến nay đạt khoảng 45% khối lượng.

Ngày 7/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 225 về chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng mở rộng KCN Sông Công II giai đoạn 2 với diện tích khoảng 296,2ha, tổng số vốn đầu tư 3.985 tỷ đồng. Khi hoàn thiện, KCN Sông Công II sẽ có quy mô lên tới 550ha, trở thành KCN lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, theo phương án phát triển CCN giai đoạn 2021-2030, TP. Sông Công được quy hoạch 5 CCN với tổng diện tích 232,65ha. Đến thời điểm này, thành phố có 4 CCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng với tổng diện tích 117,18ha. Các CCN đi vào hoạt động, thu hút gần 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vào đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 661 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng doanh thu của các dự án đầu tư tại các CCN đạt gần 1.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 1.400 lao động.

Cùng với đó, TP. Sông Công còn thu hút trên 50 dự án khu dân cư, đô thị vào đầu tư trên địa bàn. Đây là những dự án quan trọng để Sông Công đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, thu hút người dân đến đầu tư sản xuất, kinh doanh và sinh sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Điển hình là các dự án khu dân cư: Đường Lê Hồng Phong (giai đoạn 3), phường Châu Sơn; đường Lê Hồng Phong (giai đoạn 2), phường Bách Quang; khu đô thị đường Lương Sơn (Khu số 1); các khu dân cư và khu chức năng hai bên tuyến đường du lịch sông Công - núi Cốc (khu số 1, khu số 2); khu dân cư đường Nguyễn Văn Cừ, phường Bách Quang; khu dân cư tổ dân phố 9, phường Mỏ Chè… Các dự án này đều có đầy đủ hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống nước sinh hoạt, nước thải… kết nối với hệ thống giao thông, khu dân cư hiện có quanh khu vực...

Năm 2024 là năm bản lề đặc biệt quan trọng, quyết định thành công các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX nhiệm kỳ 2020-2025. Để đạt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, UBND TP. Sông Công tiếp tục xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu bàn giao mặt bằng sạch để xây dựng hạ tầng KCN, CCN, hạ tầng giao thông... nhất là đối với các dự án giao thông kết nối liên vùng, liên huyện, giao thông đối ngoại. Các dự án hạ tầng giao thông được lựa chọn và phân kỳ đầu tư trong thời gian tới sẽ là giải pháp hiệu quả để tiếp tục tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông địa phương…