Thông qua Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt trên địa bàn tỉnh thời gian qua, 39 cây cầu dân sinh có kết cấu bê tông khổ rộng 4m đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Qua đó góp phần tạo thuận lợi cho người dân địa phương đi lại, giao thương hàng hóa, đảm an toàn giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Cầu Làng Cỏ, xã Lam Vỹ (Định Hóa), được đầu tư kiên cố đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực. Ảnh: Mạnh Hùng |
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 58 cầu tạm có kết cấu bằng tấm bê tông, sắt, tre, gỗ. Nhiều nhất là huyện Định Hóa 18 cầu, tiếp đến là Võ Nhai 16 cầu, Đồng Hỷ 8 cầu… Ngoài ra còn có 75 cầu, tràn dân sinh khác. Do kết cấu của cầu tạm yếu nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, việc vận chuyển hàng hóa của bà con mất nhiều chi phí khi phải đi qua đường vòng.
Huyện Võ Nhai đang đầu tư công trình ngầm tràn trên địa bàn xã Tràng Xá. Ảnh: Mạnh Hùng |
Hiện nay, nhu cầu cứng hóa các vị trí cầu tạm, thay thế cầu yếu trên địa bàn tỉnh còn lớn. Từ thực tế trên, Sở GTVT đang phối hợp với ngành liên quan và các huyện, thành phố rà soát, đánh giá hiện trạng cầu tạm, cầu yếu còn tồn tại. Qua đó tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương có cơ chế hỗ trợ đầu tư thực hiện.
Tuy vậy, với điều kiện ngân sách hạn hẹp, các địa phương cần cân đối tính toán để ưu tiên đầu tư công trình cầu tạm cấp bách trước. Mặt khác, tiếp tục vận động các mạnh thường quân, nhân dân địa phương huy động thêm nguồn lực nhanh chóng hoàn thành việc xóa cầu tạm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho nhân dân trong khu vực. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin