Với đặc thù địa hình miền núi, nhiều sông, suối của Thái Nguyên, việc đầu tư xây dựng những cây cầu treo dân sinh đã giúp giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, nhất là vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, nhất là tác động của cơn bão số 3 vừa qua, nhiều cây cầu treo trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cùng với hệ thống cầu treo, huyện Võ Nhai đầu tư nhiều công trình đường tràn thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B, đảm bảo cho các xe ô tô có tải trọng lớn đi qua. |
Nhịp cầu nối những bờ vui
“Cách đây hơn 20 năm, người dân ở xóm Phố và Vẽn, xã Bình Long (Võ Nhai), phải đi lại qua cây cầu gỗ được làm thô sơ, ọp ẹp. Đó là nỗi ám ảnh thường trực của bà con mỗi khi mùa mưa lũ. Hồi đó, người dân thường đóng góp tre, gỗ để tu sửa cầu nhưng vẫn không bảo đảm an toàn, có lần cầu tạm còn bị lũ cuốn phăng đi. Năm 2000, cầu tạm được thay thế bằng cây cầu treo vững chãi, nối hai bờ vui. Trẻ con, người già không còn sợ mỗi lần đi qua suối, giao thông thuận tiện, đời sống cũng tốt lên rất nhiều” - anh Nông Văn Quyết, người dân xóm Vẽn nhớ lại.
Không riêng người dân xóm Vẽn và Phố, trên địa bàn huyện Võ Nhai hiện có 7 cây cầu treo thuộc các xã Dân Tiến, Liên Minh, Thượng Nung, Thần Sa, phục vụ nhu cầu đi lại của trên 1.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng cầu treo xóm Đồng Danh, xã Tràng Xá đi xóm Kẹ, xã Liên Minh, khi đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu đi lại của 500 hộ dân 2 xóm, chưa kể các vùng lân cận.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), trên địa bàn tỉnh có 47 cây cầu treo, trong đó nhiều nhất là huyện Đại Từ (11 cầu), tiếp đến là Định Hóa (10 cầu), Võ Nhai (7 cầu), Phú Lương và Đồng Hỷ (mỗi địa phương 6 cầu), TP. Thái Nguyên (4 cầu), TP. Sông Công (2 cầu) và Phú Bình còn 1 cầu. |
Một số địa phương như Võ Nhai, Định Hóa… đã đầu tư nhiều công trình đường tràn cống hộp bê tông cốt thép, mặt tràn rộng từ 6-7m, có đường kết nối hai đầu tràn để đảm bảo cho các xe ô tô có tải trọng lớn đi qua. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ các ngầm tràn này phần lớn bị ngập, cầu treo khi đó lại phát huy tác dụng cao nhất trong việc đi lại của nhân dân.
Chưa duy tu, bảo dưỡng thường xuyên
Tham gia cùng đoàn kiểm tra của Sở GTVT rà soát, đánh giá mức độ an toàn tại cầu treo Thái Chi, xã Kim Phượng (Định Hóa), chúng tôi nhận thấy UBND xã đã đặt biển cảnh báo “cầu yếu cấm các phương tiện ô tô, máy kéo, máy cày đi qua cầu” ở hai đầu cầu. Công trình này có chiều dài 60m, rộng 2,5m, tải trọng phục vụ lớn nhất cho ô tô con trở xuống.
Cầu treo Làng Tràng, xã Tân Dương (Định Hóa) bị sạt lở mố sau cơn bão số 3. |
Ông Nguyễn Văn Thìn, Trưởng xóm Cam Phước, xã Kim Phượng, cho biết: Cầu được đầu tư xây dựng năm 2005 phục vụ đi lại trên 300 hộ dân. Mặc dù được duy tu bảo trì song các kết cấu thép đã bị rỉ, ôxy hóa. Cơn bão số 3 vừa qua làm sạt mố cầu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi qua.
UBND xã Tân Dương (Định Hóa) lắp biển cảnh báo để nhân dân không đưa các phương tiện tải trọng nặng đi qua cầu Làng Tràng. |
Không riêng cầu Thái Chi, sau cơn bão số 3 cầu treo Làng Tràng, xã Tân Dương (Định Hóa) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sạt toàn bộ 1 mố cầu, mái kè cầu. UBND xã Tân Dương cho hàn thanh sắt, lắp biển cảnh báo cấm phương tiện ô tô, xe tải trọng nặng đi qua cầu. Hiện bà con các xóm trong khu vực này chủ yếu đi bộ, đi xe máy qua cầu.
Theo bà Nông Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Dương: Cầu treo Làng Tràng đáp ứng nhu cầu đi lại của 221 hộ dân của 3 xóm, chưa kể các hộ dân xâm canh. Cầu bị hỏng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, các hàng hóa nặng phải đi đường vòng rất là xa.
Mặt cầu bị đứt, thủng rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Trong ảnh: Cầu treo Phương Bá, xã Dân Tiến (Võ Nhai). |
Hiện nay, các cây cầu treo đều được các huyện, thành phố bàn giao cho cấp xã quản lý; việc duy tu, bảo dưỡng không được thường xuyên. Vì thế, các công trình đều có hiện tượng rung lắc; kết cấu thép rỉ, ôxy hóa; bản mặt cầu bằng thép thủng, mòn; hệ thống neo, cáp không được bảo dưỡng… chưa kể ở một số địa phương tình trạng cây cối, cỏ mọc um tùm ở hai bên đầu cầu, người dân thu gom đốt rác ngay cạnh lối đi vào cầu gây mất vệ sinh.
Dành nguồn lực sửa chữa cầu xuống cấp
Theo thống kê, huyện Võ Nhai hiện có 7 cây cầu treo thì 2 cầu là Đồng Danh và cầu xóm Hạ Sơn Tày, kết nối với xóm Hạ Sơn Dao của xã Thần Sa, đã xuống cấp cần phải sửa chữa ngay.
Ông Nguyễn Anh Thống, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Võ Nhai, thông tin: Trên địa bàn huyện có hơn 160 cầu và tràn, trong đó 7 cây cầu treo vẫn đang hoạt động. Sau đợt kiểm tra, rà soát của Sở GTVT, chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn vốn duy tu, sửa chữa các cây cầu treo hỏng, đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại cũng như phát triển kinh tế.
Huyện Định Hóa hiện có 8/10 cầu treo xuống cấp, hỏng mặt cầu, bị sạt mố, mái kè sau cơn bão số 3. Huyện Đồng Hỷ có 4/6 cây cầu treo cần sửa chữa. Cụ thể như: Cầu treo Văn Lăng sau nhiều năm sử dụng, các chi tiết thép đã han gỉ, mặt cầu bị đứt, cột lan can tay vịn nhiều chỗ bị gãy; cầu treo Liên Phương do ảnh hưởng bão số 3, nước sông dâng cao kéo theo cây cối trôi vào mặt cầu và hệ thống dây chống lắc ngang mặt cầu làm xoắn nửa mặt cầu, nghiêng mặt cầu về phía thượng lưu 15-20 độ và phá đứt hệ thống dây chống lắc ngang mặt cầu…
Đối với TP. Thái Nguyên, cầu treo Đồng Liên vi phạm quy trình đầu tư đang được đôn đốc tháo dỡ; cầu treo sông Đào, xã Huống Thượng, không đảm bảo an toàn; ngoài ra, cầu phao Ngọc Lâm, xã Linh Sơn và cầu phao Huống Trung, xã Huống Thượng, không đảm bảo an toàn cũng nằm trong đề xuất tháo dỡ.
Từ thực tế trên cho thấy, hệ thống cầu treo trên địa bàn tỉnh phần lớn đã xuống cấp, cần có ngay giải pháp để bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Sau đợt rà soát hệ thống cầu, Sở GTVT báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố quan tâm công tác quản lý, bảo trì, bố trí kinh phí đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cầu. Đồng thời yêu cầu khẩn trương tháo dỡ một số công trình cầu không đảm bảo an toàn giao thông. Trong khi chưa có nguồn lực sửa chữa ngay, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo để người dân không đưa các phương tiện vượt quá quy định tải trọng đi qua cây cầu yếu, hỏng, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin