Khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng

Hằng Nga 09:09, 07/11/2024

Với nhiều ưu điểm như giá vé rẻ, hoạt động cả ngày, xe buýt được nhiều người lựa chọn, nhất là học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Việc phát triển loại hình vận tải công cộng này còn giúp giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh hiện chưa theo kịp với sự phát triển của các phương tiện cá nhân.

Nhiều học sinh lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi học hằng ngày bởi giá vé rẻ, lại tiện lợi, an toàn.
Nhiều học sinh lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi học hằng ngày bởi giá vé rẻ, lại tiện lợi, an toàn.

Hằng ngày, vào lúc 5 giờ 30 phút, chị Nguyễn Thị Phương, ở xã Phú Tiến (Định Hóa), đang làm việc tại một doanh nghiệp phụ trợ của Samsung Thái Nguyên, đều đi xe buýt của Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan xuống thị trấn Đu (Phú Lương) để đón xe của Công ty đưa công nhân xuống nhà máy làm việc. Ngày 2 lượt chị đi xe buýt vào lúc sáng sớm và chiều tối, giá vé tháng là 470 nghìn đồng được hỗ trợ giảm xuống còn 420 nghìn đồng.

Chị Nguyễn Thị Phương: Tôi gần 50 tuổi nên chỉ làm những công việc phổ thông, lương hằng tháng được 4-5 triệu đồng, hỗ trợ ăn trưa. Đi xe buýt tôi thấy rất nhiều lợi ích vừa an toàn, hạch toán so với các phương tiện khác thì kinh tế hơn rất nhiều.

Đúng như khẳng định của chị Phương, hiện nay nhiều gia đình có con đi học xa nhà đều quyết định cho con đi xe buýt. Chị Trần Thị Huyền, xóm 11, xã Cù Vân (Đại Từ), thông tin: Con trai tôi đang học lớp 10 Trường THPT Đại Từ. Dù gia đình có thể mua xe máy điện cho cháu nhưng tôi thấy không yên tâm vì nhiều trường hợp học sinh bị tai nạn giao thông. Đi xe buýt giờ giấc đảm bảo, tôi cũng quản lý được con tốt hơn.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, toàn tỉnh hiện có 11 tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt với 4 doanh nghiệp tham gia, trong đó nhiều nhất là Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan chạy 7 tuyến; các tuyến còn lại do HTX vận tải Chùa Hang, Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Hưng Hạnh, Doanh nghiệp tư nhân Huy Ngọc Thái Nguyên và Công ty CP dịch vụ vận tải Sơn Cẩm, mỗi đơn vị 1 tuyến.

Theo bà Đỗ Thị Mai Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan phụ trách kinh doanh xe buýt: Hiện Công ty có 120 xe buýt, lượng khách mỗi ngày khoảng 1.100 người. Để thu hút người dân đi xe buýt, doanh nghiệp hỗ trợ miễn phí tiền vé cho trẻ em dưới 6 tuổi; miễn 50% vé tháng cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh nhân ung thư, chạy thận. Đối với học sinh, sinh viên, công nhân, doanh nghiệp giảm vé tháng theo chặng đường thực tế. Hiện nay, trong số 3.800 khách mua vé tháng, học sinh, sinh viên chiếm tới 60%.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp vận tải nào cũng đủ sức để hỗ trợ giá vé cho người đi xe buýt. Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty CP dịch vụ vận tải Sơn Cẩm: Trước dịch COVID-19, doanh nghiệp có 12 đầu xe, giờ còn 8 xe, đơn vị phải bán đi 3 xe để bù lỗ. Đến thời điểm này, doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn. Tuyến xe buýt số 5 đơn vị vận hành (từ Tân Long, TP. Thái Nguyên đi Phú Bình) có đặc thù ít người đi; mỗi ngày duy trì 64 lượt xe chạy, lượng khách trung bình mỗi lượt xe từ 6-10 người. Với số lượng khách ít như trên, doanh nghiệp không thể hỗ trợ giá vé theo chặng, tháng cho người dân được.

Công ty CP Tập đoàn Việt Vịnh đã được đổi tên thành Công ty CP Dịch vụ vận tải Sơn Cẩm. Hiện nay, xe buýt của Công ty chạy tuyến số 5 Tân Long (TP. Thái Nguyên) - Phú Bình.
Công ty CP Tập đoàn Việt Vịnh đã được đổi tên thành Công ty CP Dịch vụ vận tải Sơn Cẩm. Hiện nay, xe buýt của Công ty chạy tuyến số 5 Tân Long (TP. Thái Nguyên) - Phú Bình.

Từ khi đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh 2007 đến nay, xe buýt đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, từ khi các khu, cụm công nghiệp tăng lên, một lượng lớn công nhân đi lại bằng xe buýt cũng tăng cao. Hoạt động từ 5h20 đến 20h30, tần suất 10-25 phút/lượt, các doanh nghiệp vận hành xe buýt đã giải quyết nhu cầu đi lại rất lớn của nhân dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nhất là vào thời gian cao điểm.

Tuy nhiên, để khuyến khích phát triển loại hình công cộng này này cần có sự quan tâm hơn nữa của tỉnh bằng các chính sách cụ thể.

Bà Đỗ Thị Mai Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan: Hiện nay, loại phương tiện này ở tỉnh chưa hấp dẫn khách hàng là do cơ chế giá vé. Ngoài ra, tỉnh chưa đầu tư điểm trung chuyển xe buýt kết nối các tuyến vận tải hành khách công cộng khác. Công ty Hà Lan kinh doanh nhiều loại hình vận tải như xe khách, xe hợp đồng, taxi… còn có vốn đầu tư nâng cấp hệ thống xe buýt, còn đa phần các doanh nghiệp nhỏ, chạy ít tuyến rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư nâng cấp phương tiện. 

Còn theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty CP dịch vụ vận tải Sơn Cẩm: Để khuyến khích phát triển loại hình vận tải công cộng đề nghị tỉnh xem xét nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực này ưu đãi về lãi suất vốn vay đầu tư phương tiện. Ngoài ra, trợ giá cho các đối tượng đi xe buýt theo thứ tự ưu tiên.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã thực hiện việc trợ giá xe buýt. Đây là chính sách nhằm thu hút người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Với những tiện ích nêu trên, nhiều người dân và các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt trong tỉnh mong muốn tỉnh sớm nghiên cứu để có những chính sách hiệu quả phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng này.