Xác định hệ thống giao thông có vai trò đi trước để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, huyện Phú Lương chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, kết nối giữa các xã, thị trấn trong huyện và hình thành liên kết vùng. Hệ thống giao thông được hoàn thiện mở lối cho các lĩnh vực khác phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Dự án cải tạo, sửa chữa tuyến đường Dốc Võng - Trại giam - Vô Tranh (Phú Lương) có tổng mức đầu tư 5,8 tỷ đồng mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân. Ảnh: TL |
Phú Lương là huyện miền núi, hầu hết các xã đều thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), địa hình phức tạp, giao thông khó khăn. Trong đó, các xã như Yên Trạch, Yên Ninh, Yên Đổ, Động Đạt, Yên Lạc, Phú Đô... là những địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, số hộ đồng bào DTTS chiếm từ 70-80%.
Để giảm nghèo bền vững, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tăng cường liên kết sản xuất với kinh doanh, huyện Phú Lương đã quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông. Những năm qua, nhờ sử dụng lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn, nhất là từ Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Các công trình giao thông được hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Chia sẻ về những tháng ngày khó khăn đã qua, đồng chí Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh, trải lòng: Khi chưa thực hiện Chương trình xây dựng NTM, hạ tầng giao thông nông thôn ở xã rất khó khăn, nhiều tuyến đường xã, xóm, ngõ xóm vẫn là đường đất nhỏ hẹp men theo triền núi, khe suối... Như ở xóm người Dao Ba Họ, hầu hết nông sản được bà con làm ra đều phải gồng gánh đưa xuống chợ bán.
Nhưng từ khi được Nhà nước đầu tư trên 15 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường dài trên 5km từ xóm Ba Họ ra trung tâm xã và kết nối với Quốc lộ 3 thì đời sống của người dân trong xóm đã đổi thay rất nhiều. Bà con có thể mang nông sản ra xã, huyện để bán với giá cao hơn, cũng không còn lo xảy ra các vụ tai nạn giao thông do đường khó đi như trước nữa. - Đồng chí Triệu Văn Sơn
Trước đây, giao thông khó khăn là tình trạng chung ở nhiều xã trên địa bàn huyện Phú Lương. Đồng chí Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch, chia sẻ: Xóm Bản Héo từng là một trong những xóm đặc biệt khó khăn, có 152 hộ với 645 nhân khẩu, trong đó trên 90% là người DTTS. Trước đây, đi từ trung tâm xã vào xóm rất gian nan, bởi đường trục xóm, đường nhánh chưa được cứng hóa. Vào ngày mưa, đường lầy lội, trơn trượt, người dân đi lại càng vất vả bội phần.
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xóm được Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, bà con rất phấn khởi, sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất và đóng góp tiền, công sức tham gia làm đường. Với sự đồng lòng của bà con, đến nay trong xóm đã có 2,4km đường được đổ bê tông phẳng phiu, rộng rãi. - Đồng chí Nguyễn Văn Biểu
Mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Phú Lương gồm có 4 tuyến quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài 64km; 2 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 12km; 12 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 110km (100% các tuyến đường này đã được thảm nhựa); các tuyến đường trục xã, liên xã có tổng chiều dài 204km, cùng với gần 1.100km đường giao thông nông thôn. Hiện nay, toàn huyện có 100% số xã có đường nhựa từ trung tâm huyện đến trung tâm xã. Tính riêng giai đoạn 2020-2024, toàn huyện đã đầu tư 343 công trình, dự án giao thông, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 274 tỷ đồng…
Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư cùng sự ủng hộ của nhân dân, trên 2km đường liên xã, liên huyện đi qua xã Yên Trạch (Phú Lương) đã được hoàn thành trong năm 2024. |
Với quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, từ tháng 5-2023, Huyện ủy Phú Lương đã có Nghị quyết về việc lãnh đạo thực hiện phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025. Từ khi Nghị quyết được triển khai đã tạo phong trào thi đua sôi nổi tại tất cả các xã, thị trấn, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của nhân dân. Kết quả đến nay, toàn huyện đã giải phóng mặt bằng được trên 35km, thi công phần nền đường 15km, mặt đường 8km; nhân dân hiến trên 5ha đất để làm đường (với tổng trị giá đất và tài sản trên đất đã hiến là hơn 50 tỷ đồng)... Qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng huyện Phú Lương đạt chuẩn NTM trong năm 2024.
Hạ tầng giao thông trên địa bàn từng bước được đầu tư hoàn thiện, kết nối với hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ đã trở thành điều kiện quan trọng để huyện Phú Lương đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong 3 năm (2022-2024), huyện đã thu hút được hàng chục dự án với tổng số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, điển hình như các dự án: Khu dân cư Thành Nam 1, Khu đô thị Thác Lở; Khu dân cư Đồng Danh, xã Tức Tranh; Siêu thị Aloha Mall Phú Lương; Dự án đầu tư nuôi lợn công nghệ cao tại các xã Yên Ninh, Phủ Lý; Dự án trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Ninh của Công ty TNHH MTV Trọng Khôi (với số vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng); Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đông Bắc tại xã Động Đạt…
Mạng lưới giao thông từng bước được đầu tư hoàn thiện theo hướng kết nối tạo động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; đồng thời là cơ sở để huyện Phú Lương đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin