Những năm gần đây, hệ thống giao thông của tỉnh Thái Nguyên không ngừng được đầu tư mở rộng và hiện đại hóa. Nhiều tuyến đường huyết mạch không chỉ liên kết những địa phương trong tỉnh mà còn mang tính kết nối vùng. Điều này trở thành động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, giúp đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn.
![]() |
Tuyến ĐT.264B (đoạn từ Ngã ba Quán Vuông đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa) được đầu tư cải tạo, mở rộng đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. |
Với vị trí là cửa ngõ giao thương giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển hạ tầng giao thông. Thế nhưng, trước năm 2010, tỉnh chỉ có một số tuyến đường chính. Đáng chú ý là nhất là Quốc lộ 3 (nối Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) và Quốc lộ 37 qua các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái… Tuy nhiên, cả 2 tuyến Quốc lộ này đều nhỏ hẹp, hạn chế thông thương hàng hóa và thu hút nhà đầu tư đến với Thái Nguyên.
Bước ngoặt cho phát triển hạ tầng giao thông Thái Nguyên bắt đầu từ cuối năm 2009, khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được đầu tư xây dựng và Quốc lộ 3 đoạn từ cầu Đa Phúc (Phổ Yên) - TP. Thái Nguyên được cải tạo, mở rộng.
Sau đó, các tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn); đường Hồ Chí Minh, đoạn từ Yên Ninh - Định Hóa - Tuyên Quang; đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc… được xây dựng, đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa giữa Thái Nguyên với vùng đồng bằng sông Hồng, cảng Hải Phòng, các vùng trong cả nước và xuất khẩu hàng hóa.
Hệ thống đường giao thông kết nối được đầu tư, trong đó có tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và tuyến Quốc lộ 3 cũ và nhiều tuyến đường nội tỉnh, đã giúp kết nối các khu, cum công nghiệp, như: Khu công nghiệp Yên Bình (Phổ Yên); Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình); Khu công nghiệp Sông Công II, giúp Thái Nguyên thu hút nhiều doanh nghiệp FDI. Đặc biệt là Samsung Thái Nguyên và doanh nghiệp phụ trợ.
Cùng với đó, các mặt hàng thế mạnh truyền thống của Thái Nguyên, như: Sắt thép, khoáng sản, nông sản được đưa vào thông thương thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Các tuyến đường này cũng giúp kết nối, thúc đẩy du lịch, nhất là các địa danh nổi tiếng trên địa bàn tỉnh, như: Khu du lịch hồ Núi Cốc; Di tich lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa...
Phát triển giao thông đã giúp Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu dân cư, khu đô thị hiện đại mọc lên. Khi hạ tầng giao thông hoàn thiện, lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển nên giá đất tại những khu vực này tăng mạnh. Điều đó không chỉ góp phần đưa diện mạo đô thị tại Thái Nguyên ngày càng hiện đại, văn minh mà còn tăng nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Không chỉ có những tuyến đường liên kết giữa Thái Nguyên với các tỉnh và vùng, hạ tầng giao thông đối nội của Thái Nguyên cũng được đầu tư tư cải tạo. Từ năm 2020 đến nay, hàng chục tuyến tỉnh lộ (ĐT) được đầu tư, cải tạo và mở rộng, như: ĐT.261; ĐT.263; ĐT.264B; ĐT.266 đã giúp kết nối các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thuận tiện.
Chị Lý Thị Phượng, ở xóm Chiềng, xã Phú Cường (Đại Từ), chia sẻ: Tuyến ĐT.263 đoạn từ Phú Cường - thị trấn Đu (Phú Lương) từng rất nhỏ hẹp, xuống cấp. Mới đây, công trình đã được cải tạo mở rộng, bà con đi lại thuận tiện hơn rất nhiều, nhất là việc tiêu thụ nông sản.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Thái Nguyên hiện có gần 5.000km đường bộ, trong đó tất cả tuyến đường đến trung tâm các xã đã được trải nhựa; 98% tuyến đường xóm được bê tông hóa.
Ông Ngô Văn Tư, ở xóm Bậu 1, xã Văn Yên (Đại Từ), cho biết: Cách đây khoảng 10 năm, cả xóm Bậu không có một chiếc ô tô nào thì nay đã có 7-8 chiếc. Để đi lại thuận tiện, người dân đã chủ động hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn từ 3m lên 6m, có nơi 7m. Ngoài ra, nhiều hộ trong xóm cũng có điều kiện xây dựng nhà mới khang trang.
Trong giai đoạn tới, lĩnh vực giao thông của Thái Nguyên tiếp tục được quan tâm, dự kiến tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên sẽ được nâng cấp; cao tốc Thái Nguyên - Lạng Sơn; tuyến đường tránh thị trấn Hóa Thượng - ngã ba Bờ Đậu... được đầu tư, giúp hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thông thương hàng hóa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin