Theo khảo sát của chúng tôi, dọc đường Việt Bắc, từ điểm đầu đê Nông Lâm xuống phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên) có gần 20 đoạn giao cắt giữa đường sắt Hà Nội – Quán Triều với các tuyến đường bộ. Trong đó có khoảng 12 đoạn giao cắt do người dân tự mở. Tuy nhiên, nhiều đoạn đường ở lối mở xuống cấp, gồ ghề khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn; nguy cơ mất an ninh trật tự về đêm do thiếu hệ thống chiếu sáng...
Khi triển khai Dự án đường Việt Bắc, một số điểm giao cắt được thiết kế mặt đường liền (không xây dựng vỉa hè). Vì vậy, người dân muốn đi qua đường sắt phải cho phương tiện vượt lên vỉa hè cao hơn so với mặt đường hơn 10cm rất bất tiện.
Hơn nữa, phần lớn đoạn đường Việt Bắc giai đoạn 2 đang được triển khai có xây rào chắn, rãnh dọc ngăn cách giữa đường Việt Bắc và đường sắt gây khó khăn cho người dân khi lưu thông.
Lối mở qua đường sắt tại khu vực tổ 13, phường Gia Sàng, chủ đầu tư chỉ tháo rỡ rào chắn, còn người dân tự xếp gạch, bê tông để tạo lối dẫn đi qua.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, ở tổ 13, phường Gia Sàng, phản ánh: Tuyến đường dân sinh từ tổ 13, cắt qua đường sắt sang bên phường Tân Lập đã hình thành từ lâu nhưng khi triển khai Dự án đường Việt Bắc giai đoạn 2, đơn vị thi công xây dựng rào chắn, rãnh dọc bít lối đi này. Vì vậy, người dân ở gần đây đã kiến nghị lên chủ đầu tư đề nghị tháo rỡ rào chắn, mở lối đi. Sau đó, hầu hết điểm giao cắt được tháo rào chắn, nhưng không có mặt đường nên để di chuyển thuận lợi, chúng tôi tự làm tấm bê tông hoặc tấm ván bắc từ đường ray qua rãnh tháo nước để đi sang bên đường. Điểm giao cắt mấp mô, lại phải đi trên tấm ván nên không ít người và phương tiện lưu thông qua đây đã bị ngã ra đường ray hoặc đâm xe xuống rãnh dọc thoát nước.
Không riêng lối mở kể trên, nhiều lối mở khác đi tắt qua đường sắt ở các phường thuộc địa bàn thành phố cũng đang bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhất là thời gian qua, TP. Thái Nguyên triển khai thi công công trình xây dựng nút giao khác cốt giữa đường Thống Nhất và đường Việt Bắc nên đã cấm một số phương tiện giao thông.
Tại khu vực tổ 8, phường Gia Sàng, người dân tự đặt những tấm ván bắc qua rãnh dọc thoát nước để vượt qua đường sắt.
Để thuận tiện cho người dân di chuyển, một số nút giao qua đường sắt đã mở tạm để giải tỏa giao thông. Mặc dù Sở Giao thông – Vận tải đã tham mưu UBND tỉnh giao UBND TP. Thái Nguyên bố trí người cảnh giới tại các nút giao đường sắt với đường bộ mới mở nhưng nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn cao vì mật độ phương tiện đông, lối lên xuống mấp mô, mặt đường không không phẳng...
Anh Trần Văn Hà, tổ 11, phường Đồng Quang, cho biết: Khi thi công công trình xây dựng nút giao khác cốt giữa đường Thống Nhất và đường Việt Bắc, TP. Thái Nguyên đã hướng dẫn người dân đi theo lối mở ở khu vực tổ 6 sang đường Việt Bắc. Tuy nhiên, do lượng người và xe qua lại hàng ngày lớn nên mặt đường nhanh chóng bị xuống cấp. Hơn nữa, lối dẫn ra vào dốc, chật hẹp nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Cơ quan chức năng dựng tạm cọc bê tông để ngăn xe ô tô vượt qua lối mở tại khu vực tổ 1, phường Trung Thành.
Chúng tôi được biết, tại nhiều điểm giao cắt với đường sắt, người dân đã mở lối vượt qua đường sắt bằng cách xếp đá, tấm bê tông, tấm ván để đi qua. Cá biệt, một số điểm, cơ quan chức năng đã dựng cọc bê tông ở giữa lối đi để cấm ô tô nhưng có xe vẫn cố tình vượt qua.
Chính vì vậy, các khu vực này trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông. Chưa kể, các vị trí giao cắt giữa đường bộ với đường sắt không có barie, rào chắn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vì có trường hợp vẫn cố vượt khi có tầu sắp tới.
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, đầu tư, cải tạo và có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại những khu vực này. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc.