Để đò cập bến an toàn

04:34, 29/07/2022

Thời gian qua, cùng với giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, việc đảm bảo ATGT đường thủy nội địa cũng được Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tỉnh chú trọng triển khai với nhiều giải pháp nhằm hạn chế xảy ra tai nạn đáng tiếc, nhất là trong mùa mưa bão.

Khảo sát thực tế tại một số bến đò khách ngang sông trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy của chủ các bến đã được nâng lên rõ rệt.

Ông Lê Văn Khu, chủ bến đò Chã ở phường Đông Cao (TP. Phổ Yên), chia sẻ: Công việc hằng ngày của tôi là chở khách qua sông từ 5h đến 21h. Để đảm bảo an toàn, tôi thường xuyên nhắc nhở hành khách mặc áo phao, ngồi đúng chỗ quy định. Bản thân tôi cũng luôn chấp hành quy định bảo đảm ATGT, có đầy đủ giấy phép kinh doanh bến, phương tiện được đăng ký, đăng kiểm đúng quy định, đúng thời hạn. Trên tàu, tôi trang bị 10 áo phao và 10 phao tròn. Những ngày trời mưa bão, chúng tôi dừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Nhờ vậy, nhiều năm nay bến đò không xảy ra sự cố nghiêm trọng.

Chúng tôi được biết, toàn tỉnh hiện có 3 bến đò ngang, 24 bến thủy nội địa; trong đó có 1 bến tàu du lịch tại hồ Núi Cốc.

Để đảm bảo ATGT đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão, trong tháng 6, Phòng Cảnh sát giao thông đã xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Đồng thời phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải tổ chức kiểm tra theo kế hoạch.

Ngoài ra, Phòng còn triển khai tới các đội nghiệp vụ và từng cán bộ, chiến sĩ những nội dung kiểm tra, xử lý vi phạm về điều kiện hoạt động của bến thủy nội địa, hoạt động vận tải du lịch, vận tải hành khách ngang sông, điều kiện vận tải hàng hóa; điều kiện của người lái phương tiện, chủ bến…

Thượng tá Đinh Xuân Tùng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường thủy. Trong đó tập trung vào các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn, tại nạn giao thông như: Phương tiện chở quá tải, quá số người quy định; không đăng ký, đăng kiểm, người không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; không được cấp phép hoạt động theo quy định; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn...

Qua công tác kiểm tra, từ năm 2021 đến tháng 7 năm nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã xử lý 103 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính gần 60 triệu đồng.

Các vi phạm chủ yếu là: Chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn trên 1/2 chiều cao mạn khô của phương tiện, để mờ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện, không mặc áo phao...

Cùng với công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ phương tiện, người điều khiển, cũng như người dân về ATGT đường thủy. Tổ chức ký cam kết chấp hành ATGT đường thủy nội địa cho các bến và 298 phương tiện thủy nội địa; tổ chức 137 buổi tuần tra kiểm soát bằng xuồng kết hợp dùng loa phát thanh tuyên truyền về ATGT đường thủy nội địa; phát 14.690 tờ rơi tuyên truyền về Luật ATGT đường thủy nội địa cho các hộ dân sống ven sông, hồ.

Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp, tình hình ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không có vụ việc phức tạp, không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, hoạt động đường thủy an toàn, thông suốt.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bến thủy hết thời hạn cấp phép và bến thủy hoạt động không phép. Ngoài ra, một số hành khách khi đi đò qua bến ngang sông cũng không mặc áo phao để đảm bảo an toàn.

Chính vì vậy, thời gian tới Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường kiểm tra điều kiện đối với các bến thủy, phương tiện chở khách, đò ngang; kiên quyết đình chỉ các phương tiện thủy không đủ điều kiện an toàn theo quy định. Cùng với đó là rà soát, khảo sát các công trình vượt sông và các tuyến đường thủy trọng điểm; kịp thời phát hiện các điểm bất hợp lý, không đảm bảo an toàn để kiến nghị với các ngành chức năng khắc phục.

Trong mùa mưa bão, tình hình thời tiết diễn biến khó lường, dông lốc có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi chủ bến đò, bến khách và người tham gia giao thông đường thủy cần có ý thức chấp hành pháp luật để tự bảo vệ bản thân.