Tập lái xe trên cao tốc: Lợi bất cập hại

Hoài Anh 09:57, 25/11/2022

Những ngày gần đây, khi lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, người tham gia giao thông không khó bắt gặp những chiếc xe ô tô tập lái đi vào cao tốc để thực hành. Đa số các xe tập lái mang biển kiểm soát Hà Nội và các tỉnh lân cận với Thái Nguyên. Những chiếc xe gắn phù hiệu tập lái với người cầm vô lăng chưa có bằng lái vẫn hàng ngày bon bon lưu thông trên tuyến khiến nhiều người không khỏi bất an.

Với nhiều lái mới, việc lái xe trên cao tốc không dễ dàng.
Với nhiều lái mới, việc lái xe trên cao tốc không dễ dàng.

Chỉ trong một buổi sáng khảo sát dọc tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, chúng tôi đã được “tận mục sở thị” hàng chục chiếc xe tập lái của các trung tâm đào tạo lái xe khác nhau nối đuôi nhau trên đường như đang thực hành trong sa hình. Đa phần những chiếc xe gắn phù hiệu tập lái đều mang biển số ngoại tỉnh như: 30A-093…, 29A-374…, 30H-976…, 30G-338…, 80A-006...

Theo quy định, trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hiện nay tốc độ di chuyển tối thiểu là 60km/h và tối đa là 100km/h đối với đoạn đường từ nút giao Ninh Hiệp về nút giao Sóc Sơn; tối đa 90km/h đoạn còn lại về Thái Nguyên.

Lái xe trên đường cao tốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm kể cả với những người cầm vô lăng có kinh nghiệm, bởi các phương tiện di chuyển tốc độ cao và phải đảm bảo khoảng cách an toàn.

Trong khi đó, những người mới học lái xe thì thường chưa quen quan sát, kỹ năng xử lý các tình huống còn nhiều hạn chế, khi di chuyển chung với các xe khác ở tốc độ cao có thể gây nguy hiểm cho cả người học cũng như giáo viên và người tham gia giao thông.

Anh Lê Quang Long, ở phường Phú Xá (TP. Thái Nguyên), kể lại: Cách đây 2 tuần, khi vợ tôi đang điều khiển xe trên cao tốc thì bất ngờ xe tập lái phía trước chuyển làn đột ngột không bật đèn tín hiệu. Rất may vợ tôi có kinh nghiệm nên kịp thời đánh lái mới tránh được tai nạn.

Cùng bày tỏ lo lắng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên), nói: Những “tài mới” thường quen học những bài thi sa hình, hoặc lái xe chạy vòng quanh các đoạn đường vắng với tốc độ 20 - 30 km/giờ, đột nhiên lái xe lên cao tốc và phải chạy ít nhất 60 km/giờ chắc chắn chưa quen. Khi gặp xe phía trước phanh bất ngờ hay vượt ẩu, tạt đầu; thậm chí khi đi chậm bị các xe phía sau bóp còi thôi cũng khiến học viên dễ mất bình tĩnh. Bởi vậy, khi đi trên đường gặp các xe tập lái này tôi thường giảm tốc độ và tránh thật xa để an toàn.

Theo quy định, các học viên sẽ được học 120 tình huống mô phỏng lái xe, trong đó có các tình huống lái xe trên cao tốc.
Theo quy định, các học viên sẽ được học 120 tình huống mô phỏng lái xe, trong đó có các tình huống lái xe trên cao tốc.

Mặc dù pháp luật hiện hành không có quy định cấm xe tập lái đi vào đường cao tốc nhưng để đảm bảo an toàn, Sở Giao thông – Vận tải Thái Nguyên không cấp giấy phép cho các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh dạy lái xe trên các tuyến cao tốc. Đồng thời yêu cầu Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tình trạng xe tập lái ngoại tỉnh vào cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên thực hành “nở rộ” trong thời gian gần đây là bởi Bộ Giao thông - Vận tải vừa ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Trong đó, có quy định mới về giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái và tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông.

Trong khi đó, tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên lại có mật độ xe khá thông thoáng, không phải qua trạm thu phí và ít có lực lượng chức năng kiểm soát, nên nhiều trung tâm lựa chọn tuyến đường này để thực hành lái xe cho học viên.

Thực tế, chỉ trong ít ngày gần đây trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã ghi nhận 2 vụ va chạm giao thông có liên quan đến các xe tập lái, được các trang mạng xã hội phản ánh và dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Xe tập lái đâm vào dải phân cách trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Xe tập lái đâm vào dải phân cách trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Qua các vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như ý thức của người tham gia giao thông, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc còn yếu; phương tiện gặp sự cố... dẫn đến tai nạn.

Thực trạng này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt là đơn vị trực tiếp quản lý tuyến thuộc Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), kiểm tra chặt chẽ về điều kiện hoạt động đào tạo đối với các xe tập lái, xử lý nghiêm vi phạm nếu có, ngăn chặn các vụ tai nạn nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra.



Địa chỉ thi bằng lái xe máy giá rẻ