Triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã tăng cường các phương thức kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với người đã uống rượu, bia vẫn cố tình điều khiển phương tiện giao thông, theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông tại khu vực gần đường tròn Gang thép, tối 5/8/2023. |
Thượng tôn pháp luật
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng CSGT đã xây dựng kế hoạch triển khai các chuyên đề về xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt là tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Cùng Tổ công tác của Phòng CSGT Công an tỉnh thực hiện tuần tra, kiểm soát tối thứ 7, ngày 5/8/2023, chúng tôi ghi nhận sau hơn 1 giờ lập chốt tại khu vực gần đường tròn Gang thép (TP. Thái Nguyên), Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra gần 100 lượt người điều khiển phương tiện giao thông có biểu hiện bất thường.
Kết quả đo nồng độ cồn có 6 người vi phạm, đều đi xe máy. Trong số này có nhiều trường hợp vi phạm ở mức cao từ 0,4-0,8ml/khí thở. Mặc dù viện nhiều lý do, nhưng các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản xử lý nghiêm.
Bị xử lý vi phạm nồng độ cồn ở mức nhẹ nhất, chị D.T.B., ở xã Bảo Lý (Phú Bình), bảo: Tôi đi liên hoan cùng bạn, vui quá chỉ uống nửa cốc bia, lần đầu và cũng là lần cuối tôi uống rượu, bia khi tham gia giao thông.
Còn anh L.X.S. ở xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên) chia sẻ với chúng tôi trong hơi men ngà ngà: “Tôi biết là mình sai vì vi phạm nồng độ cồn. Mong mọi người đừng ai như tôi vì đã uống rượu, bia còn tham gia giao thông rất nguy hiểm”.
Quá trình Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi quan sát thấy không ít người khi bị dừng xe kiểm tra và biết mình vi phạm đã rút điện thoại “gọi người thân trợ giúp”. Điện thoại của Thiếu tá Hùng Thái Huy trong Tổ công tác nhiều lần đổ chuông. Anh bình tĩnh nghe máy, trả lời dứt khoát “không giúp được”.
Anh Huy bảo: Phần lớn người vi phạm đều nhận lỗi và hứa không tái phạm. Song vẫn còn một số trường hợp, kể cả người cao tuổi, trong người sẵn hơi men nên chống đối, không ký vào biên bản, thậm chí buông lời xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.
Theo hướng chỉ tay của anh Huy, chúng tôi thấy một người đàn ông ngoài 60 tuổi, ở phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên), sau khi bị lập biên bản xử lý vi phạm nồng độ cồn ở mức cao 0,806mg/l khí thở, có những lời nói thiếu chuẩn mực với lực lượng CSGT.
Đại uý Tăng Văn Tuyền, Đội phó Đội CSGT - trật tự, Công an huyện Phú Lương: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn quán triệt quan điểm tới cán bộ, chiến sĩ xử lý nghiêm các vi phạm giao thông nói chung, vi phạm nồng độ cồn nói riêng; không xuê xoa, bỏ qua lỗi vi phạm. |
Không chỉ cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT Công an tỉnh mà lực lượng CSGT các đơn vị, địa phương thời gian qua cũng được quán triệt tinh thần xử lý nghiêm, “không có ngoại lệ” với các vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.
Theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT đã tăng cường lực lượng về các huyện, thành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Tại TP. Thái Nguyên, nơi tập trung đông dân cư, lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, 7 tháng năm 2023, lực lượng chức năng của thành phố đã xử phạt 2.607 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, với tổng số tiền phạt gần 5,6 tỷ đồng. Trong đó, số vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện, xử lý là 1.267 trường hợp (chiếm gần 50% số vi phạm).
Theo đại diện Đội CSGT- trật tự, Công an TP. Thái Nguyên: Việc “làm phiền” cán bộ, chiến sĩ CSGT, như điện thoại “nhờ vả” bỏ qua lỗi của bạn bè, người thân, các mối quan hệ xã hội là chuyện “như cơm bữa”. Tuy nhiên, lực lượng CSGT xử lý nghiêm túc, không nể nang, né tránh.
Không riêng tại TP. Thái Nguyên mà ở các huyện, thành trong tỉnh, từ đầu năm đến nay hàng nghìn trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trong đó có vi phạm nồng độ cồn (không ít trường hợp là cán bộ, đảng viên vi phạm), đã bị xử lý nghiêm, “không có ngoại lệ”.
Quá trình xử lý vi phạm, lượng chức năng đều thông báo đầy đủ hành vi vi phạm của công dân về địa phương, cơ quan, đơn vị theo quy định. Thống kê chưa đầy đủ, những tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã gửi gần 1.000 phiếu xác minh trường hợp là cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn.
Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. |
Những hiệu ứng tích cực
Việc “mạnh tay” xử lý các trường hợp vi phạm giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Đa phần người dân đồng tình với việc lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” các vi phạm và cho rằng điều đó thể hiện đúng nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, tổ 12, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên): Tôi đồng tình với việc lực lượng chức năng xử lý nghiêm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” những trường hợp vi phạm nồng độ cồn. |
Anh Nguyễn Văn Thọ, tổ 14, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tôi ủng hộ việc xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn. Bản thân tôi luôn ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ và không can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm ATGT nói chung, vi phạm về nồng độ cồn nói riêng.
Ngoài anh Thọ, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát nhỏ với một số người dân, từ nông thôn đến thành thị, từ nông dân, tiểu thương đến cán bộ, đảng viên và đều nhận được ý kiến là nhất trí cao với việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn để hạn chế tai nạn giao thông (TNGT).
Thiếu tá Nguyễn Đắc Thái Anh, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn nhằm kéo giảm TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia. Đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. |
Thực tế đã chứng minh, xử lý nghiêm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” các vi phạm giao thông theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg thời gian qua không chỉ kéo giảm TNGT mà nguyên nhân từ người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia; còn kéo giảm cả các vụ gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.
Việc kiên quyết không bỏ qua các vi phạm nồng độ cồn cũng đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân trong việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, từng bước xây dựng văn hoá giao thông “đã uống rượu, bia thì không lái xe” vì sự an toàn của bản thân và xã hội.
Kết quả xử lý vi phạm giao thông 7 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. |
Tính chung 7 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 50 vụ TNGT, làm 7 người chết, 54 người bị thương. Tín hiệu vui với Thái Nguyên khi so với cùng kỳ năm 2022, số vụ TNGT giảm 12 vụ (giảm trên 19%); giảm 9 người chết (trên 56%) và giảm 6 người bị thương (10%)…
Thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia: 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra gần 5.000 vụ TNGT, làm chết hơn 2.800 người, bị thương gần 3.500 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 762 vụ (giảm 13,29%), giảm 484 người chết (giảm 14,45%), giảm 214 người bị thương (giảm 5,81%). Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Trong đó, Thái Nguyên và Đà Nẵng là 2 địa phương giảm trên 60% số người chết do TNGT so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với người uống rượu, bia lái xe được phân ra 3 mức tùy theo nồng độ cồn đo được từ tài xế. Mức phạt này từ 80 - 800 nghìn đồng với người điều khiển xe đạp; từ 2 - 8 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 - 24 tháng với người điều khiển xe gắn máy; từ 6 - 40 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 - 24 tháng với người điều khiển xe ô tô. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin