Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến hạn cuối các ô tô chở khách trên 9 chỗ ngồi, xe đầu kéo phải hoàn thành việc lắp camera giám sát hành trình. Tuy nhiên, đến nay số lượng phương tiện chấp hành quy định này trên địa bàn tỉnh đang rất thấp. Nguyên nhân chính là những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Là một trong số ít đơn vị đã hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát, ông Trần Văn Bằng, đại diện Công ty CP Thương mại vận tải Thái Hoàng (ở tổ 5, phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên) cho biết: Chúng tôi có 7 xe khách chạy các tuyến cố định đi Thái Bình và Hà Nội. Thuận lợi của đơn vị là các xe của cá nhân cổ phần đã lắp đặt hệ thống camera từ trước, giờ chỉ cần đầu tư thêm màn hình và một số thiết bị là đảm bảo quy chuẩn. Nhờ vậy mà chi phí không cao.
Không giống như doanh nghiệp Thái Hoàng, Công ty CP Vận tải du lịch thương mại Phong Dung (ở tổ 2, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên) đến nay chưa lắp đặt camera giám sát nào trong tổng số 20 xe khách. Lý do là ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động vận tải hầu như ngừng trệ, khách đi lại rất ít nên nguồn thu giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, các chi phí khác lại tăng, nhất là giá xăng dầu.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Công ty than thở: Chúng tôi nắm rõ quy định và thời hạn, cũng nhận thức việc lắp đặt camera hành trình là cần thiết. Ngặt nỗi Công ty đang rất bí nguồn lực để đầu tư, tổng chí phí hơn 100 triệu đồng.
Là doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Vận tải Thái Nguyên cũng mới lắp camera giám sát được 10/49 xe chở khách. Ông Lương Tiến Thành, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: Khi có thiết bị giám sát, cơ quan chức năng và doanh nghiệp có thể kiểm soát chặt chẽ hành trình di chuyển. Bản thân lái xe cũng có ý thức và tuân thủ tốt quy định khi tham gia giao thông, tạo cảm giác yên tâm cho hành khách; kiểm soát được khách lên xuống xe hoặc có biểu hiện bất thường. Đặc biệt, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, camera là giải pháp hữu hiệu để nhắc nhở lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch. Dù tiến độ thực hiện đang chậm nhưng doanh nghiệp quyết tâm sẽ hoàn thành xong trước thời hạn 31/12 tới.
Theo quy tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, xe kinh doanh không lắp camera giám sát sẽ bị phạt hành chính từ 5-6 triệu đồng với cá nhân và từ 10-12 triệu đồng với tổ chức là chủ xe (hoặc lắp nhưng không bật, hoặc không lưu trữ, truyền tải dữ liệu); tài xế của xe không chấp hành bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Xe không chấp hành còn bị tước phù hiệu xe kinh doanh từ 1-3 tháng. |
Theo thông tin từ Sở Giao thông - Vận tải, tính đến hết tháng 11-2021, trên địa bàn tỉnh mới có 300/2.000 phương tiện vận tải thực hiện lắp đặt camera giám sát hành trình theo quy định (đạt khoảng 15%).
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông - Vận tải) thông tin: Thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Sở đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện lắp đặt camera theo quy định và thời hạn cuối cùng là hết ngày 31/12/2021. Sau thời điểm nói trên, phương tiện nào không chấp hành có thể bị áp dụng một số biện pháp như: Không cho xuất bến và không xác nhận vào lệnh vận chuyển phương tiện; xem xét thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh; lập danh sách gửi cơ quan chức năng xử lý theo quy định...
Trong văn bản vừa ban hành, Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu lực lượng liên quan lên kế hoạch xử lý ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát hành trình, bắt đầu xử phạt từ ngày 1-1-2022 thay vì tiếp tục lùi thời hạn lắp đặt như kiến nghị của các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh cần có phương án bố trí nguồn lực và thực hiện nghiêm túc để không bị xử phạt, góp phần giúp các chuyến hành trình thêm an toàn.