Khi nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn được xác định là do lỗi thiếu ý thức của người tham gia giao thông thì việc đẩy mạnh tuyên truyền luôn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Cùng với việc tuyên truyền giáo dục, không ít nhà chức trách cho rằng cần tăng cường biện pháp tuyên truyền răn đe và quyết liệt hơn nữa trong việc tuần tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm.
Đa dạng hóa công tác tuyên truyền
Vẫn biết việc nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông phải bắt đầu từ công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, làm thế nào để tuyên truyền hiệu quả lại không dễ. Đồng chí Trương Văn Tuấn, Đội Trưởng Đội cảnh sát giao thông- trật tự cơ động (CSGT-TTCĐ), Công an huyện Đồng Hỷ cho rằng: Gia đình là tế bào của xã hội, bởi vậy, không gì hiệu quả hơn khi việc giáo dục con em chấp hành Luật Giao thông đường bộ được thực hiện ngay từ trong gia đình.
Trên thực tế, nhiều năm nay, không ít gia đình trên địa bàn tỉnh đã quan tâm tới việc giáo dục con em mình chấp hành tốt các quy định về ATGT. Bà Vũ Thị Loan, một người dân ở tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) nói: Tôi vẫn luôn dặn con, cháu khi ra đường phải tuân thủ các quy định của Luật Giao thông, bởi đã có không ít gương “nhỡn tiền” chỉ vì muốn nhanh một giây mà chậm… cả đời.
Còn theo đồng chí Hoàng Văn Ninh, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đã có nhiều đổi mới. Cùng với việc tuyên truyền theo phương pháp truyền thống, nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị đã sân khâu hóa bằng tiểu phẩm, các tiết mục văn nghệ; trình chiếu các phóng sự… Trong buổi tuyên truyền sẽ có phần giao lưu với khán giả, theo đó, lực lượng CSGT sẽ đưa ra những câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ để người tham dự trả lời… Nhờ đó, nhận thức của không ít người dân đã được nâng lên, góp phần làm giảm các số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn.
Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền giáo dục, tuyên truyền răn đe cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều năm nay, hình thức tuyên truyền răn đe trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện hiệu quả. Bằng chứng là mỗi năm, toà án nhân dân các cấp từ, tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã chỉ xét xử lưu động một, vài vụ án mà bị cáo là đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ dẫn đến chết người và gây thiệt hại tài sản… Vì lẽ đó, mong muốn của những người làm công tác bảo đảm an toàn giao thông là trong thời gian tới, tòa án nhân dân các cấp nên đưa ra xét xử lưu động tại địa bàn các xã, phường, thị trấn nhiều hơn nữa các vụ án vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Kiểm tra, xử lý vẫn là biện pháp chính
Đây cũng được xem là những biện pháp ngăn ngừa các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ hữu hiệu nhất. Bởi khi tích cực tăng cường tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT sẽ phát hiện thêm nhiều đối tượng vi phạm để xử phạt. Ông Đào Văn Mạnh, xóm Giữa, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) nói: Khi tham gia giao thông, điều tôi lo lắng nhất là bị những người đi trái Luật đâm, va vào. Nhiều khi, người bị đâm, va ở thế bị động nên thiệt hại nặng hơn, còn đối tượng vi phạm vẫn “bình an vô sự”. Do đó, khi lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, tôi rất ủng hộ vì khi bị phát hiện, bị phạt tiền nhiều lần sẽ tác động vào “túi tiền” của người mắc lỗi, nhắc nhở họ phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATGT.
Mỗi khi phát hiện các đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cùng với việc xử lý hành chính, lực lượng chức năng phân tích lỗi và nguyên nhân dẫn đến vi phạm cho người tham gia giao thông. Qua đó, vừa nhắc nhở, vừa giúp người dân thêm một lần nữa hiểu hơn về các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Một trong những biện pháp tích cực nữa nhằm tăng cường nhận thức người dân đó là việc đánh giá nguyên nhân và xử lý kiên quyết sau các vụ tai nạn giao thông. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh cho rằng: Việc phân tích đúng lỗi, xử lý đúng đối tượng chính là cách tuyên truyền hiệu quả nhất. Những người bị xử lý sau các vụ tai nạn giao thông, vừa là “tấm gương” vừa là người đi tuyên truyền trực tiếp để người khác không còn mắc các “lỗi” tương tự khi tham gia giao thông.
Trách nhiệm cộng đồng
Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên lâu nay, không ít chính quyền, địa phương; một số cấp, ngành vẫn coi nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm của lực lượng công an là chính. Bởi thế, thời gian tới, việc tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành cùng với cuộc làm tốt hơn nữa công tác này là rất cần thiết. Trong đó, lực lượng CSGT là nòng cốt với các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường phối hợp, đổi mới tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; bố trí lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm và các dịp lễ, Tết; phối hợp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở những tuyến đường, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự...
Về phía các cấp, ngành chức năng, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT trong quá trình tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, xử lý các vụ tai nạn giao thông… Đặc biệt, các địa phương nên quan tâm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT cho người dân thông qua việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông và phải được lồng ghép vào chương trình thực hiện văn hóa, văn minh đô thị hằng năm ở địa phương. Nội dung này, yêu cầu sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình, kế hoạch theo cách lồng ghép; tăng cường năng lực lập kế hoạch và quản lý công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT; thường xuyên tổ chức theo dõi, kiểm tra và đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền…
Đặc biệt, ngành Giáo dục nên xây dựng chương trình nội dung giảng dạy phù hợp về các quy tắc, quy định ATGT đường bộ vào chương trình giáo dục thường xuyên của các trường phổ thông. Đối với học sinh phổ thông trung học, trong năm học cuối cấp nên tổ chức học Luật Giao thông đường bộ và sát hạch cấp Giấy chứng nhận đã tham gia khóa học Luật Giao thông đường bộ cho các em sau khi tốt nghiệp...
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT… rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh nhằm làm thay đổi nhận thức của lãnh đạo chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể về công tác đảm bảo trật tự ATGT, coi đây như là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Mặt khác, thông qua công tác này, hy vọng sẽ nâng cao nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông, qua đó góp phần xây dựng, tạo lập môi trường giao thông an toàn, thân thiện trên địa bàn tỉnh.
Một năm qua, Phòng CSGT (Công an tỉnh) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức được 131 buổi tuyên truyền miệng, 16 buổi tuyên truyền theo hình thức sân khấu hóa cho gần 70.000 người tham gia, tăng 99 buổi so với cùng kỳ năm trước . Đối tượng tuyên truyền chủ yếu tập trung vào thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên các trường THPT, cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh.
Ông Lương Bá Hùng, Đội trưởng Đội CSGT-TTCĐ, Công an huyện Đại Từ: Tôi cho rằng cần tuyên truyền sâu rộng Luật Giao thông đường bộ tại các trường học, nhất là các trường tiểu học và THCS, bởi học sinh ở lứa tuổi này rất nhạy cảm, có nguy cơ tổn thương cao. | |
Bà Dương Thị Thùy, xóm Tân Thành, xã Xuân Phương (Phú Bình): Bên cạnh việc nhắc nhở thường xuyên, thì khi ông, bà, bố, mẹ… luôn làm gương cũng có tác dụng tích cực để hình thành ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATGT của con, cháu mình ngay từ khi còn nhỏ. Từ đó sẽ tạo thành thói quen, nét văn hóa đẹp khi tham gia giao thông. | |
Em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 12 A13, Trường THPT Đồng Hỷ: Ngày 4-9 vừa qua, chúng em được tham gia một buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ theo hình thức sân khấu hóa ngay tại trường học. Thông qua tiểu phẩm, không chỉ bản thân em mà các bạn khác cũng hiểu hơn các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. |