Kỳ 3: Xây dựng văn hóa giao thông trong mỗi người

12:53, 15/11/2018

Văn hóa là cái gốc của một xã hội văn minh, trong đó văn hóa giao thông đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông ở nước ta đã trở thành định hướng và mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như một giải pháp quan trọng để hạn chế thực trạng TNGT hiện nay...

Tuyên truyền đi trước một bước

Một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông còn hạn chế. Theo đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh thì: Để từng bước tạo ra ý thức thực hiện văn hóa giao thông, hình thành thói quen tự giác trong mỗi người dân, việc đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động giữ vai trò quyết định.

Để người tham gia giao thông không chỉ nắm và hiểu rõ luật, các cơ quan quản lý Nhà nước cần cung cấp thông tin, tài liệu để người dân nhận thức đầy đủ về văn hóa giao thông, trách nhiệm với chính mình và cộng đồng. Giáo dục, tuyên truyền an toàn giao thông, văn hóa giao thông ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, cấp học. Đưa giáo trình giao thông vào giảng dạy thường xuyên trong nhà trường, tuyên truyền thông qua các cuộc thi, hội diễn…

 Xây dựng văn hóa giao thông không có gì lớn lao mà chúng ta hãy bắt đầu bằng những thói quen nhỏ nhất, có thể là dừng lại khi gặp đèn đỏ, chậm lại một chút để nhường đường cho người khác, nói với nhau những lời dễ nghe khi lỡ va chạm… Xây dựng văn hóa giao thông nói một cách đơn giản là tham gia hoạt động giao thông có văn hóa cả trong hành vi cũng như ứng xử, có ý thức nhường nhịn, kiên nhẫn chờ đợi, tuân thủ sự điều hành của CSGT. Cần phải loại bỏ các hành vi như vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng quy định, lái xe khi đã sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật đèn pha trong phố, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông…

Thực tế đang diễn ra phổ biến hiện tượng tiêu cực là khi bị bắt lỗi do vi phạm, nhiều người đã nài nỉ, thậm chí nhờ người can thiệp, sẵn sàng đưa tiền mặc cả theo kiểu “cưa đôi”, nhờ cầm để nộp phạt hộ… Cần phải thấy rằng, chính hành vi tuân thủ các quy định pháp luật và sự nghiêm túc khi thi hành công vụ của các lực lượng công vụ là nhân tố rất quan trọng nhằm thúc đẩy, góp phần hình thành, hoàn thiện văn hóa giao thông ở nước ta. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng là cần duy trì sự nghiêm minh, liêm chính ngay trong lực lượng chấp pháp.

Có chiến lược cải thiện hạ tầng

Để cải thiện hạ tầng, nguồn lực là quan trọng số 1. Được biết, những năm qua, nguồn vốn ngân sách của tỉnh, các địa phương dành cho đầu tư mới công trình hạ tầng giao thông chưa tương xứng. Bởi thế, về lâu dài cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn xã hội hóa.

Trước những yêu cầu đòi hỏi từ thực tế, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã xem xét cho chủ trương nghiên cứu, ưu tiên bố trí quỹ đất để đầu tư hoặc có cơ chế thu hút đầu tư một số công trình có tính chất cấp bách nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: Đầu tư xây dựng các điểm đón, trả nhân viên của các nhà máy, khu công nghiệp (Sam Sung, Núi Pháo, KCN Điềm Thụy...) tại khu vực thành phố Thái Nguyên, Sông Công và trung tâm các huyện, tránh tình trạng tạm thời phải đón, trả nhân viên trên đường giao thông công cộng như hiện nay. Các địa phương, đặc biệt là các thành phố, thị xã và các Khu Công nghiệp cần quan tâm quy hoạch và xây dựng các điểm, bãi đỗ xe tĩnh.

 Hiện nay, việc mở rộng các tuyến đường nội thị của Thành phố là điều không tưởng bởi giải phóng mặt bằng là rào cản khó vượt qua. Do đó, rất cần có thêm các tuyến đường nhánh, đường phụ kết nối với trục chính để phân tán mật độ giao thông. Mặt khác, đô thị Thành phố vẫn chủ yếu là giao thông đồng mức, nên cần tăng cường giao thông các mức, có thể làm cầu vượt, hầm chui, cầu đi bộ… Theo ông Nguyễn Hoàng Mác, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, một số điểm ùn tắc cục bộ đã có phương án hạ hỏa. Thành phố đang triển khai Dự án xây dựng đường Bắc Sơn nối dài từ trung tâm vào Khu du lịch hồ Núi Cốc chạy gần như song song với đường Quang Trung, nên tuyến này sẽ được giảm tải. Mặt khác, Dự án xây dựng cầu Bến Tượng bắc qua sông Cầu nối Thành phố với huyện Đồng Hỷ cũng đang triển khai sắp xong. Khi hoàn tất, cầu Gia Bảy sẽ được đầu tư xây mới rộng hơn, tải trọng cao hơn. Và như vậy, nút giao Gia Bảy cũng sẽ được cải thiện trong nay mai. Đối với đường Cách mạng Tháng Tám, việc giảm tải cũng sẽ được giải quyết khi Dự án giai đoạn 2 đường Việt Bắc hoàn thiện.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, giải pháp lâu dài vẫn phải xây cầu vượt đối với những nút giao lớn mới triệt để được vấn đề. Được biết, cũng đã có ý kiến đề xuất làm cầu vượt tại nút giao đường Quang Trung và đường sắt Đồng Quang…

Lời kết

 Để giải quyết những bất cập trong văn hóa giao thông cần sự chung tay của toàn xã hội như hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, cấu trúc và cơ cấu phương tiện giao thông, năng lực quản lý, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, giáo dục văn hóa giao thông trong trường học... để tạo nên ý thức, văn hóa người tham gia giao thông.

Người ta thường nói, giao thông là bộ mặt văn hóa của một đất nước, đô thị là nơi biểu hiện rõ nhất trình độ văn hóa của nhân dân, trình độ của các nhà quản lý. Tham gia giao thông chính là sinh hoạt cộng đồng thường xuyên hằng ngày với quy mô rộng lớn. Chính ở môi trường ấy, mỗi cá thể sẽ bộc lộ phẩm chất văn hóa, ý thức cộng đồng của mình. Một đô thị văn minh không thể không có văn hóa giao thông, là hình ảnh có tác động mạnh mẽ đến bạn bè thế giới. Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông là một việc làm mang tính cấp bách trong điều kiện đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Vì vậy, muốn có văn hóa giao thông thì phải có con người văn hóa.