Số liệu ước tính của Bộ Công thương cho biết, năm 2007, xuất khẩu dệt may đạt 7,8 tỷ USD, vượt 450 triệu USD so với kế hoạch và tăng tới 31% so với năm 2006. Đây có thể là một kết quả bất ngờ khi ngành dệt may phải đối phó với sự cạnh tranh ngày càng lớn và nhiều hàng rào kỹ thuật mới được dựng lên.
Tại cuộc họp mới đây về triển khai kế hoạch xuất khẩu năm 2008, các DN dệt may không hề e ngại mục tiêu được đặt ra. Năm 2007, dệt may đã tăng trưởng đến 31% thì mức 21% năm 2008 không phải là vấn đề quá sức. Và nếu hoàn thành mục tiêu này, ngành dệt may sẽ cán đích đề ra cho năm 2010 sớm.
Tuy nhiên, dù chưa bắt đầu thực hiện kế hoach 2008 nhưng các DN đã cảm nhận được những khó khăn trong năm tới và năm 2008 có thể sẽ tiếp tục là một năm căng thẳng đối với ngành dệt may Việt Nam.
Theo các DN, có nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước mà DN Việt Nam phải đối mặt. Trước hết đó sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đến từ các nước sản xuất dệt may lớn trong khu vực như Trung Quốc, Bangladest, Campuchia và Ấn Độ. Trong đó, có những nước có nhiều thế mạnh về công nghiệp phụ trợ và chủ động về nguyên liệu như Trung Quốc và Ấn Độ. Ở trong nước, các DN dệt may vẫn bị ám ảnh trước vấn nạn đình công và thiếu công nhân ngành dệt may. Bên cạnh đó, chuyện tăng lương ngành dệt may cho tương xứng với những ngành khác đang đặt các DN trước nhiều bài toán đi theo rất khó giải.
Đặc biệt, vấn đề khó khăn nhất vẫn là những rào cản đến từ thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân cho rằng, năm 2008 sẽ là một năm “căng thẳng” đối với ngành dệt may với những “rào cản” đến từ thị trường chủ lực Hoa Kỳ.
Ông Bùi Xuân Khu - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, thị trường Mỹ chiếm tới 55% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may. Tuy nhiên, đến nay Mỹ vẫn tiếp tục duy trì chương trình giám sát. Quyết định mới đây cho thấy, Mỹ không giảm bớt số mặt hàng nằm trong diện giám sát và cũng không nêu các tiêu chí, điều kiện cụ thể làm cơ sở tự khởi kiện điều tra chống bán phá giá hàng dệt may Việt Nam và có khả năng cơ chế giám sát này sẽ được duy trì đến hết năm 2008.
Cũng theo quyết định mới đây, năm 2008, Mỹ sẽ tiến hành 2 lần đánh giá số liệu hàng xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường này vào tháng 3 và tháng 8 trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này sẽ không dưới 40%. Đây là tình thế có thể dẫn đến những rủi ro cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Trong hoàn cảnh này, cách duy nhất mà Việt Nam có thể chủ động đối phó là DN và các cơ quan Chính phủ Việt Nam phải hợp tác trong một cơ chế tự điều tiết xuất khẩu. Lời khuyên từ các chuyên gia là DN Việt Nam nên quan tâm đến các đơn hàng giá cao, tránh những đơn hàng giá thấp gây chú ý cho các cơ quan kiểm soát Mỹ. Một chuyên gia biết, DN Việt Nam tăng trưởng bao nhiêu không quan trọng bằng việc duy trì một mức giá cao, tránh mức giá thấp để Mỹ có thể lấy cớ khởi kiện bán phá giá.
Bộ Công thương cho biết, một cơ chế tự giám sát vẫn sẽ tiếp tục được duy trì. Thay cho chế độ giấy phép xuất khẩu là việc kết nối dữ liệu thông tin giữa các cơ quan quản lý như Hải quan, Bộ Công thương, DN; duy trì chế độ báo cáo... và sử dụng công cụ Tổ cơ động giám sát dệt may một cách có hiệu quả.