Giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế là cách làm 3 giảm 3 tăng. So với cách sản xuất lúa truyền thống, cách làm này mỗi ha cho thu nhập tăng hơn từ 1.250.000 đồng đến 2.440.000 đồng. Ngoài ra đây còn là một phương pháp sản xuất nông nghiệp tiên tiến, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và xoá đói giảm nghèo có hiệu quả cho nông dân.
Trung bình hằng năm Thái Nguyên có diện tích đất gieo cấy lúa trên 70.000 ha, năng suất bình quân 46 tạ/ha, đạt sản lượng trên 320.000 tấn. Trong sản xuất lúa, nông dân đã chú ý đầu tư phân bón nhưng thường bón không cân đối giữa đạm, lân, ka ly. Cùng đó là việc bón phân muộn dẫn đến tình trạng sâu bệnh phát sinh gây hại, nông dân phải chi phí thuốc bảo vệ thực vật tăng, năng suất chất lượng lúa cũng không cao. Chính vì lý do này trong 3 năm gần đây, Chi Cục BVTV (Sở Nông nghiệp&PTNT) đã mở các lớp đào tạo, vận động nông dân tham gia sản xuất lúa theo quy trình 3 giảm, 3 tăng.
Để thuyết phục người dân tham gia, Chi cục BVTV lựa chọn những cánh đồng có đầu tư thâm canh cao, thường xuất hiện nhiều sâu bệnh và các chủ hộ là người tích cực, ham học hỏi. Trước khi bắt tay vào thực hiện ô mẫu, cán bộ Chi cục tiến hành điều tra lại tình hình sản xuất lúa của nông dân 2 vụ trước, trên cơ sở đó xây dựng quy trình sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV cho mô hình và khu ruộng vệ tinh. Những nông dân tham gia mô hình được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về quản lý dinh dưỡng, sinh lý cây lúa, các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất…
Ngay vụ lúa đầu tiên, ngoài khu ruộng ô mẫu, nhiều nông dân còn tích cực áp dụng tại các chân ruộng khác của gia đình, và thu được thắng lợi cao trong năng suất cũng như hiệu quả kinh tế. Đây chính là động lực để Chi cục BVTV tự tin triển khai tiếp mô hình 3 giảm, 3 tăng trên diện rộng hơn.
2 năm gần đây, mô hình đã được triển khai thêm tại 16 xã trong tỉnh với 460 người tham gia, trong đó năm 2006 có 8 xã, 240 người tham gia; năm 2007 có 400 người tham gia.
Kết quả sản xuất lúa từ 2 vụ trên, đem so với ruộng của nông dân gieo cấy theo phương pháp trước đây, thấy trên cùng diện tích ruộng quy trình tỷ lệ dảnh hữu hiệu đạt cao hơn từ 7,1 đến 11,3%; khóm lúa gọn cây, bông đều, mức độ nhiễm sâu bệnh thấp, năng suất đạt cao hơn. Trong vụ xuân, so với ô nông dân, trên ô quy trình chi phí đầu tư giảm hơn so với ô nông dân 1,2 kg đạm/sào và 1 lần phun thuốc BVTV, số tiền giảm 15.500 đồng/sào, tương đương 11,8% tổng chi phí; năng suất tăng hơn 14 kg/sào. Trong vụ mùa, ô quy trình giảm được từ 1 đến 2 kg phân đạm, 1 kg kaly và từ 1 đến 2 lần phun thuốc BVTV, tổng chi phí đầu tư giảm từ 9 đến 12,8%, năng suất tăng hơn từ 15 đến 35 kg/sào, tăng thu nhập từ 1.250.000 đồng đến 2.440.000 đồng/ha.
Năm 2008 này Chi cục BVTV tiếp tục triển khai thêm 8 mô hình với sự tham gia của 240 hộ nông dân thuộc huyện Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, Định Hoá và T.P Thái Nguyên trên tổng diện tích 40 ha ô mẫu. Ngoài thực hiện quy trình sản xuất trên, các nông hộ còn được tập huấn, thực hiện quy trình mạ gieo thưa, cấy 1 rảnh, mạ cấy non hơn, mật độ cấy giảm, nước tưới giảm… Ô mẫu này được thực hiện đầy đủ, đúng quy trình sẽ giảm được từ 10 đến 20% chi phí vật tư đầu vào trong sản xuất lúa, hiệu quả sản xuất lúa tăng từ 10 đến 12%, đặc biệt là việc nông dân sử dụng thuốc BVTV ít hơn, phân bón các loại ít hơn sẽ trực tiếp làm môi trường tự nhiên tốt hơn.