Cẩn thận trước những bản chào cho vay vốn ngoại

07:08, 25/05/2008

Bộ Tài chính khuyến cáo doanh nghiệp thận trọng trước những bản chào cho vay vốn nước ngoài với lãi suất rất ưu đãi…

Vụ Tài chính Đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa thông báo về dấu hiệu lừa đảo của một số tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tự xưng là đại diện của các đinh chế tài chính nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế có các khoản tín dụng nước ngoài quy mô lớn tìm đối tượng cho vay.

 

Những đối tượng này đã gặp một số doanh nghiệp Việt Nam và lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và các tỉnh thành phố để đưa ra các bản chào cho vay với lãi suất rất ưu đãi, theo Vụ Tài chính Đối ngoại là “thực sự là phi thị trường”, với thời hạn lên tới 15 năm, thậm chí 20 năm.

 

Tuy nhiên, để vay được vốn, các đối tượng tự xưng nói trên đều yêu cầu nhất thiết phải có bảo lãnh của Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Qua quá trình thẩm tra, Bộ Tài chính đã xác định được một số dạng vấn đề như sau:

 

Dự thảo các hợp đồng vay vốn được chuẩn bị tinh vi, ràng buộc trách nhiệm Người bảo lãnh, Người được bảo lãnh (người vay) và có quy định đồng thời được điều chỉnh theo cả luật Việt Nam và luật nước ngoài, trong khi đó trên thực tế điều này không thể thực hiện được vì pháp luật hai nước đương nhiên khác nhau.

 

Nội dung các thư bảo lãnh này chủ yếu nhằm mục đích ràng buộc trách nhiệm của Người bảo lãnh (Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước) sẽ phải thanh toán cho Người thụ hưởng bảo lãnh một khoản tièn khi đến hạn quy định, bất luận khoản vay có được giải ngân hay không, trong khi đó lại không quy định rõ ràng, minh bạch quyền và nghĩa vụ của bên cho vay.

 

Thực chất, các Thư bảo lãnh nếu được ký ban hành sẽ đương nhiên trở thành công cụ nợ có thể luân chuyển (mua, bán, chuyển nhượng hoặc chiết khấu) trên thị trường vốn quốc tế.

 

Theo Vụ Tài chính Đối ngoại, do sức hấp dẫn của các bản chào tín dụng (thực chất là điều kiện tín dụng phi thị trường) nên có không ít doanh nghiệp trong nước, các bộ ngành và chính quyền các cấp đã mất thời gian và cả tiền bạc vào việc đón tiếp, thương thảo các bản chào tín dụng kiểu lừa đảo trên.

 

Về những hiện tượng trên, Bộ Tài chính khuyến cáo “các bộ ngành, lãnh đạo chính quyền các cấp và doanh nghiệp hết sức cảnh giác với các đối tượng môi giới kiểu lừa đảo này, tuyệt đối không cử các đoàn ra nước ngoài để thương thảo các hợp đồng tín dụng kiểu này để tránh tiền mất, tật mang”.

 

Các địa phương khi gặp các trường hợp nêu trên, cần sớm liên hệ với Ngân hàng Nhà nước ở các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về quản lý vay và trả nợ nước ngoài.

 

Ở trung ương, đầu mối liên hệ là Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng) để được hướng dẫn thêm về pháp luật liên quan đến bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay nước ngoài, Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước để xác minh tính xác thực của người chào các khoản tín dụng, cũng như tính thực tế của các điều kiện tín dụng được nêu ra trong bản chào trên cơ sở thị trường vốn quốc tế tại thời điểm đó.

 

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu khi phát hiện thấy có âm mưu lừa đảo, các cá nhân tổ chức cần báo cáo ngay cho cơ quan an ninh để có biện pháp xử lý kịp thời đối với hành vi này.