Người dân An Khánh, Đại Từ, Thái Nguyên sống chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, nhưng các điều kiện để đảm bảo cho nông nghiệp phát triển lại không thuận lợi. Một phần diện tích đất canh tác nhờ vào nguồn nước ở hồ Phượng Hoàng (xã Cù Vân), còn trên 70% diện tích phải dựa vào nước trời, nên mùa vụ bấp bênh.
Năm 1997, cả xã phấn khởi vì nghe tin được Nhà nước đầu tư xây dựng hồ Suối Nước, nhưng đã hơn 10 năm trôi đi, Dự án vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Trong nhiều cuộc họp ở huyện, xã đã có nhiều ý kiến kiến nghị về vấn đề này, song vẫn chỉ nhận được câu trả lời Nhà nước chưa có vốn. Hồ chưa được xây, cánh đồng vẫn khô khát thì trong lòng người nông dân chưa thể vơi đi nỗi lo mùa vụ.
Trong các báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của xã, trong phần khó khăn luôn có các dòng chữ: Chỉ đảm bảo nước gieo cấy cho 1/3 diện tích đất canh tác; giá vật tư phân bón tăng cao; giao thông đi lại khó khăn…
Lần này chúng tôi về An Khánh, trong câu chuyện với đồng chí Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã, bên cạnh những khó khăn đã cũ thì có nhiều cái mới, sự thay đổi ở miền quê thuần nông này. Chỉ tính trong năm 2007, đã có 3 dự án đầu tư vào An Khánh. Theo đồng chí Sơn, An Khánh thuần nông sẽ trở thành "An Khánh công nghiệp" trong nay mai.
Con đường An Khánh-Cù Vân đang được đầu tư mở rộng, làm mới; Nhà máy xi măng Quan Triều; Nhà máy nhiệt điện Việt Trung… sẽ mọc lên trong thời gian không xa, làm thay đổi cơ bản diện mạo của An Khánh. Có lẽ xác định được tầm quan trọng đó, nên hầu hết người dân ở An Khánh đều đồng thuận, ủng hộ cho các Dự án trong các công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng. Đơn cử như Dự án đường Cù Vân-An Khánh dài gần 7 km với 254 hộ bị ảnh hưởng đất và nhà ở mà không có chính sách đền bù. Song đến nay đã có 252 hộ sẵn sàng hiến đất để Dự án thực hiện đúng tiến độ.
Dự án vào, công nghiệp phát triển kéo theo dịch vụ cũng sẽ phát triển, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Song người nông dân An Khánh vẫn không thể thoát ly được ruộng đồng, sản xuất nông nghiệp vẫn phải được coi là sản xuất chính ở An Khánh, nên việc tăng cường áp dụng các biện pháp KHKT, thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản lượng lương thực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã được quan tâm, chú trọng.
Khắc phục khó khăn về nguồn nước, người dân đã đào rất nhiều giếng nước ở khắp các cánh đồng; tích cực đưa các giống lúa mới vào gieo cấy, đẩy mạnh sản xuất vụ 3. Năng suất lúa bình quân đạt trên 50tạ/ha. Bên cạnh đó, nông dân An Khánh đầu tư thâm canh, cải tạo trồng mới cây chè, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ các nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội…người dân đã vay 4,2 tỉ đồng đầu tư cho sản xuất, đa phần người dân đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Đời sống kinh tế đang dần ổn định, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 28,2% xuống còn 20%. Trường mầm non, trường THCS, nhà điều trị thuộc Trạm y tế xã đã được đầu tư sửa chữa, xây mới với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng…
An Khánh đang có những chuyển động tích cực, mừng đấy nhưng chưa hẳn đã hết những nỗi lo: Tốc độ phát triển kinh tế chưa cao; thu ngân sách trên một số lĩnh vực chưa đảm bảo; các khoản thu đóng góp, thu các loại quỹ và thu thuế nhà đất còn tồn đọng, kéo dài; công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo; một số cán bộ còn hạn chế về năng lực; tình hình an ninh trật tự diễn ra phức tạp…
Để xây dựng An Khánh trở thành một xã phát triển toàn diện và bền vững thì bên cạnh việc chỉ ra được những tồn tại, nguyên nhân khách quan, chủ quan điều quan trọng hơn là tìm được các giải pháp khả thi để tháo gỡ, khắc phục.