Giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Đức

08:00, 20/05/2008

Tại Đức, hiện cộng đồng người Việt Nam có khoảng 100.000 người. Chính quyền Đức cũng đã có những chính sách về nhập quốc tịch, lưu trú và không phân biệt đối xử.

Cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức là cộng đồng có tiềm năng chất xám lớn, tiềm năng kinh tế mạnh mẽ và có nhiều người làm việc trong các công ty, tập đoàn lớn của Mỹ.

 

Bà Trịnh Thị Mùi - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ICT-Pacific đưa ra các cách tiếp cận thị trường EU, đặc biệt là thị trường Đức, với các doanh nghiệp Việt Nam như: Thông qua sự giới thiệu của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; Tham gia các hội chợ chuyên ngành; Tìm khách hàng thông qua các chuyến khảo sát thị trường; Qua thông tin tại các quốc gia mình đang xúc tiến thương mại; Mở văn phòng đại diện hoặc các công ty con... Theo bà Mùi, các doanh nghiệp Việt Nam nên mở Văn phòng đại diện và văn phòng đó sẽ đặt tại Trung tâm thương mại của người Việt ở Đức.

 

Trung tâm thương mại ITC-Pacific đặt tại phố Rihn, là một trung tâm thương mại lớn với 80% người Việt Nam kinh doanh, số còn lại là người Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan.

 

Đây là một trung tâm thương mại đầu tiên thuộc quyền sở hữu của người Việt Nam với 100% vốn tự có.

 

Bà Lê Hoàng Anh – Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận xét, đây là một trung tâm không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn cả về văn hoá-chính trị, đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Cục Xúc tiến thương mại sẽ có những hỗ trợ ban đầu thông qua kênh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, giúp doanh nghiệp tìm hiểu pháp luật, qui định kinh doanh của nước sở tại.

 

Trong số các nước thành viên EU, Đức, Anh, Pháp và Hà Lan luôn là những thị trường nhập khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam.

 

Sắp tới, với việc ra đời Trung tâm tư vấn hỗ trợ giới thiệu hàng Việt Nam và các dịch vụ tổng hợp tại khu thương mại ICT, doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm được chi phí và dễ dàng tiếp cận với thị trường Đức./.