Ông Hằng ''nấm''

09:48, 20/05/2008

Nhiều khách sạn, nhà hàng trong T.P Thái Nguyên, nhất là các quán lẩu bên trục đường Minh Cầu, cánh đầu bếp đều gọi ông là Hằng nấm. Không tự ái, ông còn thấy vui và coi đây như một thương hiệu người tiêu dùng "đóng nhãn" cho mình.

Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang của gia đình tại phường Túc Duyên, ông trò chuyện với chúng tôi hồn hậu: Tên đầy đủ của tôi là Nguyễn Doanh Hằng, nhà theo đạo Công giáo, tôi luôn dạy các con mình sống chân thành, siêng năng học tập, có tinh thần kính Chúa, yêu nước. Với gia đình tôi, cái phúc lớn nhất là trong nhà không có ai mắc tệ nạn ''đâm chọc''.

Tôi hiểu ý ông - ở một thành phố người ta đang vận động nhau chung sống với HIV/AIDS, thì việc trong nhà có được 4 người con trai, thì cả 4 đều ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, biết cư xử đúng mực với mọi người thì đó quả là phúc lớn. Ông nhẩm tính: Đến nay là vừa vặn 10 năm vợ chồng tôi trồng nấm. Vì vậy người tiêu dùng phần nhiều là chỗ quen biết, cứ… a lô, cho mấy cân nấm tươi là có ngay.

Trước đây, ông cũng như đám trẻ trong làng đi nhặt mộc nhĩ mọc ra từ cây gỗ mục, rồi cẩn thận dùng sợi lạt sâu lại, cho gác bếp, ngày có việc mới được lấy xuống ngâm vào nước nóng, thái nhỏ làm nhân bánh đa nem, giò mỡ hoặc đem xào với miến, nên khi nghe thấy ở một số vùng trong nước người ta trồng nấm thả giàn thì ông Hằng nể lắm. Thế rồi Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh mở lớp huấn luyện chuyển giao công nghệ, hướng dẫn cho nông dân trồng nấm xoá đói, giảm nghèo. Vì mục đích xây dựng mô hình trồng nấm, từng bước nhân ra diện rộng, nên đối tượng được Trung tâm lựa chọn là những nông dân sản xuất giỏi, trong số đó có ông Hằng.

Đó là vào thời điểm năm 1999, sau khi nắm bắt được kỹ thuật trồng nấm, ông Hằng về động viên vợ con cùng vào cuộc. Một mái lán dựng lên ngay trước nhà, trong đó là những cây que bắc giàn treo những bịch nilon rơm. Vụ đầu tiên, gia đình ông trồng một tạ nguyên liệu gây nấm sò, nấm rơm. Ông sung sướng đến ngộp thở khi thấy nấm lớn nhanh từng ngày, ông nhớ lại: Chỉ qua một đêm, bịch nấm đã khác. Hôm trước trông còn trơn trụi, hôm sau đã thấy nở mịn như hoa, ngắm không chán mắt...

Giây lát dừng lời, ông tiếp tục câu chuyện: Trồng nấm có thể làm giàu được, nhất là khi địa phương đang vận động nông dân chuyển đổi nghề. Như vậy, trồng nấm cũng là một nghề, nông dân có thể li nông nhưng không phải li hương vì thiếu việc làm.

Những vụ nấm sau, ông Hằng quyết định đầu tư nhiều hơn cho việc trồng nấm. Bằng cách làm chắc ăn, từ tháng 5 đến hết tháng 7 ông trồng nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ; từ tháng 8 kéo dài đến hết tháng 4 năm sau, ông trồng mộc nhĩ. Cứ như thế, mùa hè-mùa đông gia đình ông đều có nấm, mộc nhĩ tươi bán.

Từ say mê với cây nấm, ông cất công đến những địa chỉ người trồng nấm giỏi ở các tỉnh lân cận để học hỏi thêm kinh nghiệm. Năm 2003, ông đem về giống nấm linh chi, thử nghiệm trên 1 tạ nguyên liệu và thu được kết quả như… sách dạy. Ông say sưa: Linh chi được coi là nấm dược liệu, loại nấm này có thể ngăn ngừa được căn bệnh ung thư, chữa được bệnh đau dạ dày, đau xương và nhiều thứ bệnh khác. Cách sử dụng cũng đơn giản, đem tán nhỏ ăn với mật ong hoặc đun sôi như người ta uống trà.

Ông mau mải vào buồng trong lấy cho tôi xem tấm giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo trồng nấm, thuộc Dự án xây dựng mô hình sản xuất nấm hàng hoá, do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Thái Nguyên cấp năm 2005. Ông cho biết: Tham gia Dự án này, tôi đầu tư 25 triệu đồng để xây dựng 180 m2 nhà xưởng trồng nấm, trong đó Dự án hỗ trợ 800.000 đồng. Cũng bắt đầu từ năm này, mỗi năm gia đình tôi sử dụng hết 12 tấn nguyên liệu rơm, mùn cưa cho việc trồng các loại nấm. Do tuân thủ tuyệt đối các quy trình như việc thanh trùng nguyên liệu, khâu cấy giống, dụng cụ, phòng cấy, bốc cấy giống nấm… nên chưa bao giờ nấm của nhà ra… nấm dại. 3 năm gần đây, mỗi năm gia đình tôi có 3,5 tấn nấm, mộc nhĩ các loại xuất bán ra thị trường. Tiền bán nấm năm 2005 thu được 35 triệu đồng; năm 2006 thu được 38 triệu đồng; năm 2007 thu được hơn 40 triệu đồng, dự kiến năm 2008 tiền thu được từ trồng nấm đạt trên 50 triệu đồng.

Ông Hằng tâm đắc: Riêng nấm linh chi mỗi năm gia đình làm 4 tấn nguyên liệu, cho ra 1,5 tạ sản phẩm khô. Đầu năm nay, gia đình tôi đã thu được 40 kg nấm linh chi khô, bán chỗ quen biết được hơn 400.000 đồng/kg.

Với gia đình ông Hằng, trồng nấm 10 năm vẫn là nghề mới, bởi trong nhà nghề truyền thống phải kể là trồng cây lúa, gieo hạt rau, nuôi con lợn. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 2 tấn lúa, 25 triệu đồng tiền bán rau xanh và 1 tấn lợn móc hàm, chưa kể nghề làm tương do bà Nguyễn Thị Nhàn-vợ ông căm cắm ngâm, ủ, đóng chai cung cấp mỗi năm vài nghìn lít cho người tiêu dùng. Song, ở T.P Thái Nguyên, mọi người biết ông chủ yếu từ nghề trồng nấm. Không đơn thuần do ông trồng nhiều nấm, mà ông còn đi vận động nhiều nông hộ quanh vùng tranh thủ lao động dôi dư tham gia trồng nấm. Điểm nổi bật là ông đã tự mở được 2 lớp tấp huấn trồng nấm cho 60 nông dân mà không đòi hỏi lệ phí. Nhiều bà con coi ông là "chuyên gia nấm", đến tận nhà học hỏi, mời về thiết kế nhà xưởng, cách trồng, cách thu hái nấm và đã xoá được nghèo. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Suốt, tổ 21, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên, do nhà đông người, thiếu đất sản xuất, ông Hằng đến tận nhà hướng dẫn trồng nấm sò, nấm rơm. Từ 5 năm nay gia đình ông Suốt đã thực hành thành công mỗi năm từ 5 đến 6 tấn nguyên liệu nấm các loại, nhờ đó đã thoát được nghèo.

Kéo tôi lên gác 2, ông Hằng cho xem sản phẩm nấm linh chi đã phơi khô đang đóng gói. Ông hào hứng: Sau này tôi sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất nấm. Đồng thời hướng dẫn cho bà con quanh vùng cùng trồng nấm, chỉ có như thế mới tạo được vùng hàng hoá, tạo được thương hiệu "linh chi nấm Thái Nguyên".