Hơn 10 năm bãi vàng bản Ná, xã Thần Sa (Võ Nhai) phải đóng cửa do mất an ninh trật tự. Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định bàn giao mỏ vàng sa khoáng rộng trên 37ha này cho Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Thăng Long (Hà Nội) quản lý, khai thác trong vòng 7 năm. Điều này khiến người dân nơi đây vừa mừng, vừa lo.
Sau khi nhận được thông về việc UBND tỉnh có quyết định cho phép tái hoạt động khai thác vàng tại bản Ná, tâm trạng của người dân xóm Xuyên Sơn vừa mừng, vừa lo! Mừng vì khi Mỏ đi vào khai thác, người dân có cơ hội tìm được việc làm tại công trường và khi khai thác hết vàng, bản Ná sẽ mãi mãi bình yên. Còn lo vì nhiều điều. Ông Lê Văn Tiến, Bí thư Chi bộ Xuyên Sơn tâm sự: “Sau hơn 10 năm cơn bão vàng qua đi, người dân Xuyên Sơn đã và đang ổn định với cuộc sống hiện tại. Giờ tái hoạt động khai thác vàng thì vấn đề an ninh trật tự, cuộc sống mưu sinh của người dân chẳng biết rồi sẽ thế nào?”.
Còn ông Dương Văn Phan, một trong những người cao tuổi nhất của xóm Xuyên Sơn hiện nay lại băn khoăn: “Cánh đồng bản Ná và cánh đồng Khắc Kiểm của người dân xóm Xuyên Sơn đều sử dụng nguồn nước từ suối Suổi Bó. Khai thác vàng sẽ lại ô nhiễm nguồn nước, lúc ấy, bà con làm sao cấy cầy được...”. Không chỉ người dân trong xóm Xuyên Sơn mà đại diện một số đoàn thể của xã Thần Sa cũng có chung những băn khoăn như vậy.
Để giải đáp những băn khoăn, lo lắng nói trên, mới đây, huyện Võ Nhai đã tổ chức buổi làm việc gồm một số ngành của tỉnh, Thường trực Huyện uỷ Võ Nhai, lãnh đạo xã Thần Sa, xóm Xuyên Sơn và các hộ dân có ruộng đất tại bản Ná, cánh đồng Khắc Kiệm. Tại buổi làm việc, những điều người dân Xuyên Sơn, cán bộ xã Thần Sa còn lo ngại đã được những người có trách nhiệm trực tiếp giải đáp. Về phía Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Thăng Long đã nêu rõ những điều đã cam kết với tỉnh, như: Khai thác đúng toạ độ, diện tích được cấp phép; đảm bảo an toàn kỹ thuật, an ninh trật tự; không gây ô nhiễm môi trường và sẽ thực hiện hoàn thổ cho nhân dân khi kết thúc khai thác.
Ngoài ra, Công ty này cũng cam kết sẽ nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Thần Sa vào xóm Xuyên Sơn, kéo một đường điện cao thế vào bản Ná để phục khai khoáng và nhu cầu sử dụng của nhân dân. Sau buổi làm việc này, cơ bản người dân xóm Xuyên Sơn cũng như cán bộ xã Thần Sa đều đồng tình, ủng hộ chủ trương khai thác vàng tại bản Ná. Song, họ cũng yêu cầu việc xây dựng công trình giao thông, đường điện, công trình bảo vệ nguồn nước sản xuất cần phải thực hiện trước khi tiến hành khai thác vàng. Hiện Công ty đang hoàn tất các thủ tục theo quy định để tiến hành khai thác vào đầu năm 2009.
Trao đổi với chúng tôi về những yêu cầu của người dân, ông Nguyễn Huy Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu từ & Xây dựng Thăng Long, Giám đốc Dự án khai thác vàng bản Ná khẳng định: Trong bản đánh giá tác động môi trường đã nêu rất rõ những điều chúng tôi phải thực hiện và bản đánh giá này UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã phải tổ chức thẩm định tới 2 lần mới thông qua. Thêm nữa, trong Quyết định 1296 của UBND tỉnh cũng đã nêu 6 nội dung mà Công ty phải thực hiện. Nếu chúng tôi làm sai cam kết cũng như những gì UBND tỉnh yêu cầu thì sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Khi đi vào hoạt động, Công ty sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động tại Xuyên Sơn (những phần việc dành cho lao động phổ thông). Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ dành một phần kinh phí để hỗ trợ xóm, xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Khai thác khoáng sản sẵn có tại địa phương để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho người dân là điều cần thiết, đã, đang nhận được sự đồng tình của người dân. Tuy nhiên, do Dự án nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng Thần Sa, thượng nguồn của dòng chảy, một thời từng là điểm nóng về mất an ninh trật tự nên việc giám sát để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện những điều như đã cam kết cần được các cấp, ngành chức năng của tỉnh, địa phương thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.