Chiều qua (25-8), Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2008, với mức tăng khá bất ngờ.
Cụ thể, trái với nhiều nghi ngại trước đó rằng chỉ số tháng này sẽ tăng cao sau đợt tăng giá xăng ngày 21/7, con số tăng 1,56% của CPI tháng 8 có vẻ sẽ giúp mang đến tâm lý lạc quan hơn về kinh tế vĩ mô những tháng tiếp theo.
Nếu so với tháng 8/2007, CPI tháng này đã tăng 28,32%. Trong khi đó, tính chung CPI tám tháng đầu năm đã tăng 22,14% so với cùng kỳ năm 2007.
Trước đó, ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố mức tăng CPI tháng tám tại Tp.HCM là 2,09% và Hà Nội là 1,92%, thị trường chứng khoán phiên cuối tuần qua tuy vẫn tiếp tục “xanh”, nhưng VN-Index đã đảo chiều đi xuống vào những phút cuối, kết thúc phiên giao dich chỉ với 1 điểm tăng so với phiên trước đó. Hiện tượng tăng dư bán đã xuất hiện vào cuối phiên với giá nhiều cổ phiếu nằm sàn.
Tuy nhiên, với số liệu CPI vừa được công bố, có nhiều cơ sở để tin rằng điều này sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường trong những phiên tiếp theo.
Đây là lần thứ 3 trong năm CPI tạo đà tăng lên, phá vỡ xu hướng giảm trước đó. Lần đầu tiên vào tháng 2 và kế tiếp vào tháng 5 đều xuất phát từ nguyên nhân giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh. Còn lần này, tác nhân đến từ việc tăng giá xăng dầu.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - vốn chiếm tới trên 42% trọng số CPI - tháng này chỉ tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước đó, tạo thành xu hướng giảm rõ rệt và kéo chỉ số giá tháng này không tăng quá cao.
Chịu tác động trực tiếp từ giá xăng là nhóm phương tiện đi lại, bưu điện tháng này đã tăng 9,07% so với tháng trước. Tiếp đó là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng cũng tăng 2,18%.
Tháng này có tới 5 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng trên 1% so với tháng trước, bao gồm: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,11%; dược phẩm y tế tăng 1,23%; giáo dục tăng 1,16%; văn hóa thể thao giải trí tăng 1,08%.
Tháng này cũng có hai nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá so với tháng trước: lương thực thuộc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,1% và dịch vụ bưu chính viễn thông giảm 0,1%
Ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, sau khi tăng giá xăng, Tổng cục đã có tính toán sơ bộ và chỉ số CPI đến cuối năm nay được cho là có thể “rơi” vào khoảng 28,5% so với đầu năm.
Nhưng sau đợt giảm giá xăng ngày 14/8, con số mới nhất được cơ quan này tính toán chỉ còn tăng vào khoảng 27,5% so với đầu năm nay.
Theo ông Lâm, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Rất có thể xu hướng giảm giá dầu trên thị trường thế giới còn tiếp tục, và nếu xăng trong nước được điều chỉnh giảm thêm một lần nữa, CPI sẽ có thêm lực hỗ trợ để giảm mạnh đà tăng vào cuối năm nay.