Cuối tháng 8 lại thiếu điện

07:54, 26/08/2008

- Từ ngày 28/8 đến 31/8/2008, công suất khả dụng của toàn hệ thống điện chỉ vào khoảng 10.200MW. So với nhu cầu sử dụng điện hàng ngày thì hệ thống điện có nguy cơ thiếu trên 2.000 MW.

Một nguồn tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam  (EVN) cho biết, từ ngày 28/8 đến 31/8/2008, sẽ chuyển một số trạm nhận điện Trung Quốc về nhận điện Việt Nam phục vụ công tác kéo dây 500kV Thường Tín-Quảng Ninh.

 

Như vậy trong thời gian này việc tiếp nhận điện mua từ Trung Quốc sẽ giảm và dẫn đến hệ thống bị giảm phụ tải. Theo tính toán, công suất khả dụng từ nay đến ngày 31/8/2008 chỉ vào khoảng 10.200MW/ngày. So với nhu cầu sử dụng điện hàng ngày thì hệ thống điện có nguy cơ thiếu trên  2.000 MW.

 

Việc cắt điện sẽ không chỉ diễn ra vào giờ cao điểm buổi sáng (từ 9-11giờ) nữa mà cắt cả vào giờ cao điểm buổi chiều (từ 16h-19) hàng ngày. EVN cũng đã phân bổ lượng điện cho các công ty điện lực 1, 2, 3 để phân bổ cho điện lực địa phương. Theo EVN thì việc phân bổ sản lượng điện chỉ diễn ra vào các giờ cao điểm kể trên còn lại trong ngày không áp dụng phân bổ công suất sử dụng.

 

Nhưng với công suất khả dụng chỉ có 10.200MW thì còn thấp với công suất của tháng 7/2008  là thời điểm thiếu điện trầm trọng trên cả nước. Trong  tháng 7 vừa qua do tình hình thiếu nguồn trầm trọng trên cả nước, các nhà máy gặp sự cố liên tục, làm cho toàn hệ thống điện bị thiếu công suất khả dụng trầm trọng. Toàn bộ công suất khả dụng chỉ đạt 10.500-11.000MW, trong khi nhu cầu công suất cực đại của hệ thống có thể lên tới 13.000-13.500MW.

 

Như vậy, mỗi ngày nguồn cung điện thiếu từ 2.500-3.000MW. Để đảm bảo tối đa nhu cầu điện cũng như an toàn hệ thống điện, EVN buộc phải phân bổ mức công suất tiết giảm về các công ty điện lực. Và điện đã bị cắt "liên miên", "bất tử" kể cả với sản xuất.

 

Từ đầu tháng 8/2008 đến nay, nước về các hồ thuỷ điện nhiều, các nhà máy thuỷ điện đã phát hết công suất mà điện vẫn thiếu trên 10% tổng công suất, điện sinh hoạt và sản xuất vẫn bị cắt tại nhiều địa phương, thì đến thời điểm này việc thiếu hụt công suất lớn như vậy chắc chắn cắt điện không chỉ diễn ra vào các giờ cao điểm sáng và chiều như EVN thông báo.

 

Vấn đề khiến dư luận lo ngại chính là tình trạng cắt điện mà không thông báo trước, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Nhiều nhà máy, xí nghiệp bị hỏng sản phẩm hàng loạt do mất điện đột ngột không rõ lý do. Điều này đã xảy ra trong tháng 7 vừa qua và rất có thể sẽ trở lại trong những ngày cuối tháng 8 này.

 

Có một lý do mà bản thân các điện lực địa phương cũng "bó tay" là khi công suất tăng cao tại 1 địa phương nào đó thì rơle tự động sa thải phụ tải theo quy trình vận hành để bảo đảm an toàn hệ thống điện. Trường hợp do rơle tự động cắt thì bản thân các công ty điện lực cũng chịu, không thể báo trước cho khách hàng và cũng không thể giải thích lý do mất điện, thời gian cấp điện lại (vì họ cũng không biết khi nào hệ thống có đủ công suất để được đóng điện lại). Đây là điều lo ngại nhất bởi điều này sẽ lại ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.