Sự ra đời của các doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn có một vị trí khá quan trọng đối với một huyện miền núi như Định Hoá. Bởi, các doanh nghiệp này không những là nơi tiêu thụ chè búp tươi cho các hộ trồng chè mà còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động tại địa phương. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn về vốn, về việc thu mua chè nguyên liệu và tiêu thụ thành phẩm...
Trên địa bàn huyện Định Hoá có 3 doanh nghiệp chế biến chè là Xưởng chè Sơn Phú, Nhà máy chè Định Hoá trực thuộc Công ty cổ phần Chè Kim Anh và Công ty TNHH chè Bình Yên. Nhưng, hiện chỉ còn Nhà máy chè Định Hoá và Công ty TNHH chè Bình Yên đang hoạt động và cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Có mặt tại Công ty TNHH chè Bình Yên đúng vào thời điểm các công nhân ở đây đang làm ca 1, chị Ma Thị Hằng ở thôn Nạ Tría, xã Thanh Định là công nhân gắn bó với Công ty đã 6 năm nay cho biết: “Trước đây, Công ty trả lương theo công nhật 30.000 đồng/ngày, bình quân mỗi tháng tôi được khoảng 600 đến 700 nghìn đồng. Nhưng năm 2008, Công ty chuyển sang khoán sản phẩm với mức 500.000 đồng/1 tấn chè tươi qua 3 khâu (héo- vò- sấy). Như vậy, với 15 người/1 ca, chúng tôi làm được trên 6 tấn chè tươi, chia bình quân mỗi người được 100.000 đồng. Đó là những ngày Công ty thu mua được nhiều chè, còn ngày ít thì chỉ được khoảng 2 tấn, thậm chí là không có”. Trao đổi với anh Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công ty, chúng tôi được biết: Theo công suất thiết kế hoạt động chế biến chè của Công ty là 45 đến 50 tấn/ngày nhưng chưa khi nào Công ty sử dụng hết công suất vì không thu mua được chè nguyên liệu do một số hộ trồng chè đã đầu tư mua máy sao vò chè. Thêm vào đó do giá chè trên thị trường không ổn định nên Công ty gặp nhiều khó khăn, phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao để thu mua chè cho bà con nhằm giữ mối lâu dài. Thậm chí, năm 2007, Công ty phải bù lỗ khoảng 900 triệu đồng để trả lương cho cán bộ, nhân viên và trả nợ lãi vay trong khi lại không hoạt động được do giá chè nguyên liệu cao (từ 4 đến 6 nghìn đồng/1kg), chè Công ty sản xuất ra chỉ bán được giá 19.000 đồng/1kg búp khô… Đưa chúng tôi tới kho chứa chè đã sơ chế chất đống trong kho, anh Thanh cho biết: “Từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, do giá chè nguyên liệu thấp nên Công ty đã mua được 2.800 tấn. Nhưng đến thời điểm này, Công ty mới bán được 200 tấn chè thành phẩm Còn hơn 400 tấn không bán được do giá chè búp khô trên thị trường thấp (21.000 đồng/1kg) nên Công ty Kiên và Kiên ở Hà Nội không bao tiêu được hết sản phẩm. Trong khi đó, đây là thời điểm vào vụ thu hái chè nên Công ty vẫn phải bỏ vốn ra thu mua chè nguyên liệu cho bà con ở địa phương. Bởi vậy, khó khăn lớn nhất của Công ty bây giờ là thiếu vốn lưu động để thu mua chè nguyên liệu trong dân. Hy vọng, giá chè búp khô trên thị trường tăng để chúng tôi có thể xuất hết số chè trong kho, thu hồi lại vốn. Có như vậy, Công ty mới phần nào giảm bớt được khó khăn trước mắt”.
Khác với Công ty TNHH chè Bình Yên, hoạt động của Nhà máy chè Định Hoá trực thuộc Công ty cổ phần Chè Kim Anh lại tương đối ổn định trong tình hình thị trường có nhiều biến động về giá cả như hiện nay. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Nhà máy cho biết: Phương châm hoạt động chế biến chè của Nhà máy là sản xuất chè theo nhu cầu của khách hàng, trong đó có 30% sản lượng chè do Công ty cổ phần Chè Kim Anh bao tiêu sản phẩm, còn lại 70% là do đơn đặt hàng của các đơn vị theo cơ chế thị trường. Chè của Nhà máy chế biến ra luôn bán được giá và được khách hàng đánh giá cao do giữ vững nguyên tắc, tiêu chuẩn khi thu mua chè nguyên liệu trong dân, đảm bảo được chất lượng sản phẩm chè khi chế biến. Đó là yếu tố có ý nghĩa quyết định sự thành công trong hoạt động chế biến chè của Nhà máy từ nhiều năm qua. Cụ thể là năm 2007, trong khi một số doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn tỉnh, huyện lao đao vì giá chè nguyên liệu cao, giá chè búp khô lại thấp thì Nhà máy vẫn duy trì được hoạt động chế biến tương đối ổn định và có hiệu quả, Cung cấp ra thị trường được 145 tấn chè búp khô, với giá bán 24.000 đồng/1kg, doanh thu đạt gần 3,5 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2008 Nhà máy cũng gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động. Năm nay Nhà máy có kế hoạch chế biến 250 tấn chè nhưng đến nay mới được 150 tấn, còn 100 tấn khó có khả năng hoàn thành vì khan chè nguyên liệu do giá chè búp tươi thấp, trong khi đó giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại cao nên người dân không đầu tư, chỉ hái tận thu dẫn tới giảm cả sản lượng và chất lượng chè nguyên liệu”.
Từ thực tế trên cho thấy, nếu không có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến chè cũng như các hộ trồng chè thì người dân và doanh nghiệp khó có thể “đứng vững” trước tình hình thị trường nhiều biến động như hiện nay. Do vậy, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp thu mua sản phẩm chè cho nông dân. Qua đó, hoạt động của các doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn huyện Định Hoá nói riêng và các doanh nghiệp chè nói chung mới được duy trì. Đồng thời vùng chè nguyên liệu sẽ được giữ vững khi người nông dân có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định.