Không như nhiều nông dân khác của xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) bỏ làng đi làm thuê kiếm sống, ông Ngô Doãn Mai, xóm Vải đã ở lại làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Bằng mô hình chăn nuôi gà trang trại, quy mô 8.000 con/lứa, gia đình ông có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ông Mai cũng là người nông dân đầu tiên của xã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng trang trại chăn nuôi. Năm 2003, sau khi đến thăm một số hộ gia đình làm kinh tế giỏi của tỉnh, trở về nhà ông đã mạnh dạn làm theo. Vốn liếng ban đầu chưa có là bao, ông vay thêm vốn ngân hàng và anh em họ mạc. Vừa làm vừa học, vốn liếng tích luỹ được bao nhiêu, ông đầu tư trở lại cho phát triển kinh tế gia đình. Bà Lê Thị Bảy, xóm Cầu Đá cho biết: Từ mô hình kinh tế của gia đình ông Mai, trong xã đã có thêm một số hộ học tập, làm theo, đến nay trong xã đã có 13 hộ đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà quy mô 8.000 con/năm; 2 trang trại lợn quy mô 100 con/lứa.
Trong phát triển kinh tế, xoá giảm hộ nghèo, Cao Ngạn gặp rất nhiều khó khăn vì đất sản xuất nông nghiệp của xã nằm dọc bên bờ sông Cầu, các cánh đồng của xóm Vải, Cổ Rùa, Gò Chè và Thác Lở… được coi là màu mỡ thì năm nào cũng bị ngập úng từ 1 đến 2 lần. Cùng đó là hầu như các hộ nông dân đều chưa đủ đất sản xuất, nông dân thiếu vốn đầu tư, đặc biệt một bộ phận nông dân còn chậm đổi mới tư duy canh tác, chưa mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất… không ít hộ năm trước được công nhận thoát nghèo thì năm sau đã tái nghèo, cụ thể năm 2007 có 53 hộ của xã được công nhận thoát nghèo, thì có 31 hộ nghèo phát sinh.
Được biết, xã Cao Ngạn có 1.670 hộ, 6.500 nhân khẩu cùng sinh sống tại 17 xóm, đồng bào người Sán Dìu chiếm 50% dân số, đời sống của người dân chủ yếu trông vào nghề trồng trọt, chăn nuôi, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng/năm. Để thoát nghèo, chính quyền địa phương đã vận động nông dân phát triển thêm một số nghành nghề phụ như chế biến hàng nông sản thực phẩm, sản xuất gạch silicat, gạch nung và tập trung đầu tư cho chăn nuôi. Riêng xóm Gò Chè trung bình mỗi năm, 80 hộ đã cung cấp ra thị trường trên 1.200 tấn bún; 13 hộ sản xuất gạch cung ứng cho các công trình xây dựng hàng triệu viên gạch/năm.
Tại các hộ nông dân, chăn nuôi đã được đầu tư và từng bước hình thành vùng hàng hoá, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm Cao Ngạn cung cấp ra thị trường khoảng gần 150 tấn gà thương phẩm và khoảng 50 tấn lợn thịt. Ông Đào Văn Đèn, Phó Chủ tịch UBND xã tâm đắc: Với vùng quê như Cao Ngạn, chăn nuôi tập trung được coi là một trong những giải pháp xoá nghèo bền vững. Nhưng để hình thành được 15 trang trại chăn nuôi như hiện nay, Cao Ngạn đã phải trải qua “một hành trình” rất dài, đó là việc dồn điền đổi thửa, tích tụ đất đai trong nông dân, chuyển giao KHKT sản xuất và từng bước xoá bỏ tập quán canh tác lạc hậu trong từng nếp nhà.
Vẫn là vùng đất đồi - bãi bên sông lên thành phố, Cao Ngạn có nhiều cơ hội mới và cũng đang đứng trước nhiều thách thức mới, như lời ông Đào Văn Đèn: Hướng phát triển kinh tế của Cao Ngạn đã từng bước định hình, hướng tới năm 2010 xã phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 14 đến 15%, trong đó công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 35%; nông nghiệp 33%; dịch vụ 32%. Ông Đèn nhấn mạnh: Trước mắt tập trung cải tạo lại 50 ha cây ăn quả, duy trì đàn lợn ở mức 5.000 con và đàn gia cầm 50.000 con theo mô hình trang trại.